Cho dù khách hàng trả giá đắt hơn hay rẻ hơn thì người bán cũng không đồng ý. “Chợ một giá” dường như đã ăn sâu vào trong tiềm thức, nếp nghĩ, nếp sống của người dân bản xứ và trở thành nét văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc nơi đây.
Dù khách phương xa hay người bản địa đến chợ cũng chỉ phải trả một giá. |
Với người dân vùng cao Yên Bái, “Chợ một giá” ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (Yên Bái) vốn đã quen thuộc nhiều năm nay. Còn với du khách, nếu có dịp ghé thăm “Chợ một giá” đều không thể quên được nét độc đáo riêng biệt này, vì tất cả những mặt hàng đều chỉ bán với giá 5.000 đồng.
Cách đây gần chục năm, "Chợ một giá" đã hình thành bên ven tuyến đường quốc lộ 32C (từ thành phố Yên Bái đi vào thị xã Nghĩa Lộ). Mới đầu, chợ chỉ có vài người dân đồng bào Mông tụ họp, bán những mớ rau cải, củ gừng, mấy quả bí ngô, hay mớ rau rừng, bánh chưng đen... Do đây là những sản vật sẵn có, nên họ chỉ bán với một giá duy nhất 5.000 đồng.
Đến nay, chợ đã có gần 30 gian hàng. Đồng bào Mông, Thái, Tày ở khắp huyện Văn Chấn (Yên Bái), cũng đã mang những sản vật của mình đến góp vui. Giờ thì chợ có thêm nhiều mặt hàng khác như: khoai nương, ngô, măng rừng, hoa chuối rừng...
Trải qua thời gian, chợ nay vẫn giữ được những nét giản dị, gần gũi của vùng đồng bào dân tộc miền núi. Cho dù người đến chợ có nhiều mục đích khác nhau, có thể là trao đổi, buôn bán, gặp nhau sau những ngày làm việc vất vả, hay những chàng trai cô gái Mông bén duyên từ đây... nhưng cũng từ đó đã tạo ra nét độc đáo của chợ.
Ông Hoàng Hiệp Ước, ở thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, là người đầu tiên bán hàng ở chợ này, cho đến nay đã gần được 10 năm. Giá các mặt hàng đồng loạt là 5.000 đồng cũng là “sáng kiến” của ông. Mặc dù nay đã gần 80 tuổi, nhưng hàng ngày cứ 7 giờ sáng là ông cũng như những người khác, lại mang những sản vật của núi rừng ra chợ bán, đến 17 giờ chiều mới tan chợ. Ông Ước tâm sự: “Tôi gắn bó với chợ lâu rồi, giờ áo có thể chưa đủ ấm, tiền có thể thiếu, nhưng không thể vắng mặt tại chợ ngày nào được”.
Chị Hoàng Thị Lơ, thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn kể lại: “Trước đây gia đình mình nghèo lắm, thường xuyên thiếu ăn. Từ năm 2007, mình được bán hàng tại “Chợ một giá” nên cuộc sống của gia đình bớt khó khăn đi nhiều”. Hiện tại, sạp hàng của chị cũng có thêm những mặt hàng như thuốc nam, các loại đặc sản của đồng bào dân tộc hay những loại thuốc phải kiếm ở trên núi đá, rừng sâu có tác dụng chữa bệnh... nhưng giá vẫn không thay đổi. Nếu có người khách nào trả giá thấp hơn hoặc nhiều hơn 5.000 đồng thì cũng không bán. Chị Lơ cho biết, chị luôn cảm thấy vui vì có những người khách du lịch đã trở lại và ghé lại sạp hàng nhiều lần chỉ để mua một vài thứ gì đó về làm quà cho người thân, bạn bè...
Là một người thường xuyên đi công tác qua huyện Văn Chấn, anh, Nguyễn Trường Thư - Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, cho biết: Tình cờ trong một chuyến đi công tác vào năm 2010, anh cùng mọi người xuống xe tại khu vực gần chợ để nghỉ giải lao sau quãng đường dài. Anh thấy tò mò vì mọi người gọi là "Chợ một giá", từ mớ rau, chiếc bánh chưng đen đặc sản hay thang thuốc Hồng rừng cũng chỉ bán với giá đúng 5.000 đồng nên anh đã mua một vài sản phẩm... Cho đến tháng 4/2014 vừa rồi, có dịp qua đây, anh thấy rất ngạc nhiên vì giá cả các sản phẩm vẫn rẻ không hề thay đổi và lần này anh đã mua nhiều măng rừng và rau rừng về làm quà cho mọi người ở nhà.
Mặc dù có sự khác biệt so với những chợ vùng cao khác, nhưng "Chợ một giá" tại Suối Bu là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao, nơi còn nhiều khó khăn. Hơn thế nữa, những sản phẩm đó còn phản ánh hơi thở cuộc sống, nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Tuấn Anh