Cho lời then vang mãi...

Sắp bước sang tuổi 80, nhưng với tình yêu văn hóa dân tộc, ông Nguyễn Mạnh Thẩm ở thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang vẫn miệt mài ngày đêm sưu tầm, sáng tác nhiều bài then, với mong muốn những làn điệu then truyền thống của quê hương còn mãi với thời gian.

Ông Nguyễn Mạnh Thẩm, dân tộc Tày, xã Thanh Tương, Nà Hang (Tuyên Quang) nỗ lực trong bảo tồn hát then.

Quê ở xã Lăng Can, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, ngay từ nhỏ ông Thẩm đã sống trong nhưng làn điệu then mượt mà. Ông kể: Trước đây, cứ mỗi dịp lễ, tết, bà con trong thôn, trong xã ai cũng đóng góp vài làn điệu then, cọi hay. Ông Thẩm khi đó thường theo người cậu là một thầy then giỏi thường đi cúng, làm lễ trong thôn, xóm để được nghe hát. Rồi những làn điệu then ngấm vào người ông lúc nào không hay. Ông đã dành nhiều thời gian chăm chút, tự tìm tòi, học hỏi. Cơ duyên đến với ông khi ông được điều động sang Ty Văn hóa tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang). Đây cũng là thời gian ông có nhiều cơ hội được tiếp cận, nghiên cứu và sưu tầm các làn điệu then cổ một cách bài bản hơn.


Ông Thẩm không chỉ hát hay mà còn có kiến thức sâu về hát then. Theo ông, để phân biệt then cổ với then mới chủ yếu dựa vào ngôn ngữ, nội dung bài hát và cách vào bài hát. Then cổ thường được ghi chép lại bằng chữ Nho, nên ngôn ngữ cổ được sử dụng nhiều hơn và nội dung nặng về tâm linh, chủ yếu dùng trong các lễ cầu mùa, cầu yên, giải hạn, được đồng bào coi là phương tiện duy nhất dùng để giao tiếp với thần linh. Trong các khúc hát then có thể thấy rõ hát then là một cuốn lịch sử của dân tộc Tày ghi lại những nét văn hóa của người Tày từ tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa đến những lời răn dạy đạo lý làm người... Trong khi đó ở then mới thì nội dung chủ yếu lại xoay quanh đề tài ca ngợi tình yêu, những đổi thay của quê hương đất nước, thời lượng hát cũng ít hơn. Trong cách vào bài hát cũng có sự khác biệt, phần vào đề “Ới la” trong then cổ được lặp đi lặp lại nhiều hơn.


Với mong muốn đưa hát then gần gũi hơn với cuộc sống nên trong các dịp lễ hội hay những ngày kỷ niệm ông đều sáng tác các ca khúc như: Chập văn vằn hội (Gặp nhau ngày hội), Cần Thanh Tương (Người Thanh Tương)... tâm đắc nhất là ca khúc ông viết nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ: "Ới la, ới là... dân Việt Nam quang Bác mắn na (dân Việt Nam một lòng theo Bác); Lớp lớp khửn tàng lo cháu nước (người người lên đường đi cứu nước); Pên Điện Biên Tổ quốc an khang (Làm nên trận Điện Biên Tổ quốc an khang); Trọn vẹn là Việt Nam toàn thắng (Trọn vẹn là Việt Nam toàn thắng). Những bài then do ông sáng tác đều có ngôn ngữ mộc mạc, dễ hát vì vậy mà nhiều bài đã được các bạn trẻ học thuộc, sử dụng trong các dịp văn nghệ của thôn, xã.


Không chỉ sáng tác mà ông còn dạy miễn phí cho rất nhiều thế hệ học sinh, nhiều người đã trở thành những cây văn nghệ nòng cốt của huyện, của tỉnh. Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm luôn trăn trở: "Then cổ mới là cái tinh túy, nó chứa đựng những giá trị văn học truyền thống, lịch sử ngàn đời của cha ông. Tuy nhiên hiện nay then cổ đã thất lạc rất nhiều bởi trước đây hát then chủ yếu được truyền miệng và có tính gia tộc nên không truyền cho người ngoài. Vì vậy khi các nghệ nhân mất đi thì không còn tài liệu lưu lại. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng hiện tại ông cũng chỉ còn giữ được rất ít bài then cổ, đó là điều đáng tiếc nhất".


Ông Thẩm cũng là một trong số ít những người biết làm đàn tính, được nhiều người tìm đến để đặt mua. Với những đóng góp của mình, năm 2009, ông đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tý

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN