Chính trường Ai Cập vẫn "nóng"

Tối 18/12 theo giờ địa phương, phe đối lập Ai Cập bắt đầu phát động cuộc biểu tình rầm rộ trong nỗ lực vào phút chót nhằm ngăn chặn bản dự thảo hiến pháp mà Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi và những người ủng hộ thuộc phe Hồi giáo đang muốn thông qua trước thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý đợt hai vào ngày 22/12 tới


 

Người biểu tình tụ tập trước dinh tổng thống Ai Cập chiều 18/12 chuẩn bị cho cuộc tuần hành lớn phản đối bản dự thảo hiến pháp.

 

Hãng AFP cho biết hàng trăm người đã bắt đầu tụ tập ở thủ đô Cairô vào chiều 18/12 để chuẩn bị cho cuộc tuần hành khổng lồ vào buổi tối. Đám đông lớn nhất đã tập trung bên ngoài dinh tổng thống và quảng trường Tahrir để thị uy sức mạnh và tìm cách huy động các cử tri bỏ phiếu chống lại bản dự thảo hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tuần tới. Cùng ngày, quân đội Ai Cập đã được triển khai dày dặc xung quanh dinh tổng thống, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này, tướng Abdel Fattah al - Sissi cảnh báo sẽ chống mọi hành động khiến đất nước Ai Cập rơi vào tình trạng tê liệt về chính trị.


Sức ép vẫn không ngừng gia tăng lên chính phủ của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, sau đợt 1 cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp hôm 15/12 vừa qua.
Truyền thông Ai Cập ngày 18/12 cho biết, Tổng Công tố Talaat Abdallah đã đệ đơn từ chức lên Hội đồng Tư pháp nhà nước (SJC) sau chưa đầy một tháng được Tổng thống Morsi bổ nhiệm giữ chức vụ này. Trước đó một ngày, khoảng 600 thẩm phán đã tham gia một cuộc biểu tình trước cửa Tòa án Hiến pháp Tối cao đòi Tổng Công tố Abdallah từ chức với cáo buộc ông này đã gây sức ép buộc các thẩm phán điều tra những vụ đụng độ bên ngoài Phủ Tổng thống vào đêm ngày 5/12. Đầu tháng 12, Tổng Công tố Abdallah đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích và phản đối của các cơ quan tư pháp khi quyết định điều chuyển một công tố viên từ thủ đô Cairô về tỉnh Beni Suef sau khi công tố viên này ra quyết định phóng thích những người biểu tình bị bắt giữ sau các vụ đụng độ gây thương vong trước cửa Phủ Tổng thống vào tối ngày 5/12. Tuy nhiên, sau đó, ông Abdallah đã rút lại quyết định điều chuyển.


Cùng ngày 18/12, Câu lạc bộ Thẩm phán thuộc Hội đồng Nhà nước đã tuyên bố tẩy chay đợt hai cuộc trưng cầu ý dân, dự kiến diễn ra vào ngày 22/12 tới. Nhật báo Ai Cập "Almasry Alyoum" dẫn lời người đứng đầu câu lạc bộ này Hamdi Yassin cho biết, quyết định trên được đưa ra do chính quyền không đáp ứng được các điều kiện giám sát đợt một cuộc bỏ phiếu.


Giữa bối cảnh trên, Ủy ban Bầu cử tối cao (HEC) ngày 18/12 đã bắt đầu tiến hành điều tra các cáo buộc vi phạm trong đợt một cuộc trưng cầu ý dân vừa được tổ chức tại 10 tỉnh thành của Ai Cập. HEC cho biết đường dây nóng của ủy ban này đã ghi nhận nhiều tố cáo từ người dân cũng như các tổ chức xã hội dân sự về những hành vi gây sức ép đối với các cử tri, tuyên truyền bầu cử trái phép, việc thiếu thẩm phán giám sát và các điểm bỏ phiếu mở cửa muộn. Dự kiến, kết quả điều tra sẽ được thông báo vào cùng thời điểm công bố kết quả trưng cầu ý dân. Trước đó, nhiều tổ chức nhân quyền đã cáo buộc có nhiều vi phạm trong quá trình bỏ phiếu, đồng thời hối thúc Bộ trưởng Tư pháp thành lập một nhóm thẩm phán điều tra về các vụ việc này.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập) - H.H - T.L

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN