Chiều ba mươi năm ấy...

Hồi nhỏ, nói đến Tết, lũ trẻ con chúng tôi thích lắm. Nhìn lên bờ rào, hễ thấy cây xương rồng “ăn Tết” là chúng tôi lại kháo nhau: “Sắp đến Tết rồi đấy”.


Tết Việt luôn đầm ấm trong mỗi gia đình.


Thực ra theo lẽ tự nhiên, cứ sắp tới mùa xuân, cây cỏ hoa lá đều tưng bừng trổ hoa nảy lộc. Cây xương rồng cũng vậy, những dịp ấy, trên mỗi nách gai, xương rồng lại nhú ra một “mâm xôi” - cái nụ hoa bé xíu tròn như mâm xôi, chúng tôi đinh ninh đấy là cây xương rồng ăn Tết, và có nghĩa là, sắp đến Tết của con người, rồi mách nhau một câu đầy háo hức “Sắp đến Tết rồi đấy” - dịp ấy thường là vào khoảng ngoài rằm tháng Chạp ta.


Lớp trẻ sau này nghe đến câu “hàng Tết phân phối” thì lạ lẫm, nhưng lứa chúng tôi thì chúng tôi thấm thía lắm. Đó là những kỷ niệm không thể mờ phai trong ký ức.


Thường là mỗi khi Tết đến, mỗi hộ gia đình xã viên lại được mua một số hàng hóa thiết yếu để ăn Tết, đó là hàng phân phối. Danh sách hộ gia đình được đội sản xuất đưa lên hợp tác xã, hợp tác xã đưa sang ủy ban duyệt, đóng dấu rồi chuyển cho Cửa hàng hợp tác xã mua bán. Chị nhân viên bán hàng cứ theo danh sách đó mà bán, đố ai có thể mua đến hai lần hoặc mua hơn. Hàng Tết được mua gồm: Hai gói chè Hồng Đào, một gói thuốc lá Sầm Sơn, hai bao diêm Thống Nhất, nửa chai dầu hỏa dùng để thắp đèn, một chai nước mắm và một chai rượu mía. Rượu mía là thứ rượu được làm từ bã mía do nhà máy đường thải ra, uống thấy toàn mùi mía.


Dân gian có câu chuyện ngụ ngôn chế riễu ông thầy bói nói dựa “Chiều ba mươi Tết thịt treo trong nhà”, nói cái điều hiển nhiên, chiều ba mươi Tết nhà nào chả có đôi ba cây giò nạc, giò thủ, thịt luộc... treo trong nhà. Ấy, cái điều tưởng đương nhiên, cứ đến rằm là trăng tròn, thế mà Tết năm ấy, cho đến chiều ba mươi Tết khi cả làng, cả xóm đã rộn rịp dỡ nồi bánh chưng, quây quần bên mâm cỗ Tất niên mà bếp nhà tôi vẫn cứ lạnh tanh.


Thường thì cứ đến Tết, Hợp tác xã lại mổ lợn và chia cho xã viên theo nhân khẩu, mỗi khẩu được độ hai, ba lạng gì đó. Nhà đông người năm, sáu nhân khẩu thì được cân, hơn cân. Nhà neo người, chỉ hai ông bà già chẳng hạn thì được một miếng vừa lòng bàn tay, đủ để rằm mắm. Nhưng hợp tác cũng chỉ bán cho những hộ nào đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với tập thể.

Nghĩa vụ đó là, mỗi năm một lao động chính - người trong độ tuổi lao động - phải có đủ một trăm tám hay hai trăm ngày công gì đấy làm công điểm ở hợp tác xã, rồi mỗi hộ lại phải đóng cho nhà nước hai mươi lăm cân thực phẩm, chủ yếu là thịt lợn, hoặc ngan, gà quy đổi. Gia đình tôi thuộc diện neo người. Mẹ tôi mất từ lúc tôi mới đầy tuổi, chị lớn tôi thì đi lấy chồng xa tỉnh bên, anh trai lớn thì đi thanh niên xung phong đang ở tuyến lửa Quảng Bình. Ở nhà còn ba bố con, tôi và anh kế tôi thì đang tuổi trẻ con nghịch đất lê la. Thầy tôi do bị sức ép của bom Mỹ nên đau yếu quanh năm, do đó không thể có đủ được mấy trăm ngày công lao động hợp tác xã, nên cũng không được hưởng cái quyền lợi được chia mấy lạng thịt lợn để ăn Tết của hợp tác xã.


Chiều ba mươi năm ấy, tôi thấy Thầy cứ đi một lúc lại về ngồi thừ ra. Một lúc lại đi... (Toàn đi bộ chứ làm gì có xe đạp). Nhá nhem rồi mà Thầy vẫn chưa về, hai anh em đành thắp đèn dọn bữa cơm lèo tèo mấy miếng xu hào luộc chấm mắm ăn bữa Tất niên. Mãi đến gần chín giờ đêm Thầy mới về. Thầy ngả cái mẹt ra ném xuống xâu thịt lợn độ bốn năm lạng. Thầy lúi húi thái thái, chặt chặt. Ánh đèn và ánh lửa bếp hắt lên, gương mặt Thầy vẻ rạng rỡ hẳn. Hai anh em chúng tôi ngồi săn quanh, háo hức lắm. Thầy khẽ nhắc: “Ngồi xê ra kẻo che hết ánh đèn”. Thế là nhà tôi có Tết...


Lâm Bằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN