Chất lượng dịch vụ chưa tăng cùng viện phí

Sau 1 năm áp dụng viện phí mới, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa có những thay đổi tương xứng, tình trạng quá tải tại các bệnh viện còn phổ biến, đặc biệt việc tăng chỉ định các dịch vụ chụp chiếu, xét nghiệm lại có xu hướng gia tăng.


70 - 150 bệnh nhân/bàn khám


Từ ngày 26/6 - 10/7, 3 đoàn công tác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) đã hoàn tất việc kiểm tra chi phí khám chữa bệnh tại 7 tỉnh, thành trong cả nước, sau khi tăng viện phí được 1 năm.


Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra cơ sở vật chất, nơi đón tiếp người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Dương ngọc - TTXVN


Cụ thể, đoàn đã kiểm tra tại các bệnh viện (BV) thuộc tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Kon Tum.


Kết quả kiểm tra cho thấy, chỉ có một số BV đã bổ sung cơ sở vật chất, cải thiện chỗ ngồi chờ của người bệnh ở khu vực phòng khám, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận bệnh nhân. Đặc biệt, do thiếu bác sỹ nên tình trạng quá tải bệnh nhân tại khu khám bệnh vẫn phổ biến. Tính trung bình mỗi ngày, 1 bàn khám tiếp nhận tới 70 - 80 bệnh nhân (BV Nam Sách - tỉnh Hải Dương, BV Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh). Đặc biệt tại BV đa khoa Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, khám trung bình 150 bệnh nhân/bàn khám/ngày. Trong khi đó, định mức đưa ra chỉ là 35 bệnh nhân/bàn khám/ngày.


“Mặc dù đã được tính vào cơ cấu trong giá dịch vụ y tế mới, nhưng phần lớn nhân viên y tế vẫn chưa thực hiện đội mũ, đeo khẩu trang… khi khám bệnh và thực hiện các thủ thuật. Một số BV vẫn thu của người bệnh các chi phí vật tư y tế đã được tính trong kết cấu trong giá. Tại BV đa khoa Thái Bình và BV huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương vẫn thực hiện thu thêm tiền kim châm cứu của người bệnh BHYT”, một cán bộ trong đoàn kiểm tra cho biết.


Gia tăng chụp chiếu, xét nghiệm


Kết quả kiểm tra của BHXH VN cũng cho thấy tình trạng gia tăng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật diễn ra phổ biến ở hầu hết các BV.


Đơn cử như tại tỉnh Thái Bình, chi phí bình quân một đợt điều trị nội trú quý 1/2013 tăng 43% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, chi phí của xét nghiệm cận lâm sàng (bao gồm cả chẩn đoán hình ảnh) tăng đến 81%, trong khi thuốc chỉ tăng 12%. Điều bất hợp lý là dù đã tăng giá dịch vụ y tế, tăng các dịch vụ xét nghiệm, siêu âm… nhưng ngày điều trị trung bình vẫn không giảm, thậm chí còn tăng từ 6,85 ngày (năm 2012) lên thành 7,05 ngày trong quý 1/2013. Một số dịch vụ được chỉ định khá nhiều như xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (trên 9.000 lượt), xét nghiệm định nhóm máu ABO (trên 11.469 lần/7.500 lượt điều trị nội trú).


Còn tại BV đa khoa tỉnh Hải Dương, một số dịch vụ kỹ thuật cũng được chỉ định khá “rộng rãi” như xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm định nhóm máu ABO (8.228 lần/4.285 lượt điều trị nội trú), 6.365 lượt làm xét nghiệm Ure - Glucosa - Creatinin với chi phí 584 triệu đồng/quý. Trung bình 4 bệnh nhân nội trú thì 1 bệnh nhân được chụp MRI hoặc CT Scanner. Bên cạnh đó, các BS cũng chỉ định khá “rộng rãi” các thuốc hỗ trợ điều trị bệnh lý thần kinh (chỉ riêng 3 loại thuốc Gliatinin, Glutation, LuciLucia, có chi phí lên tới 1.617 tỷ đồng, tương đương 13,3% tổng chi phí thuốc của cả BV).


Tại BV đa khoa tỉnh Bắc Ninh, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số dịch vụ có số lượng chỉ định quá lớn như xét nghiệm hóa sinh. Đặc biệt, xét nghiệm cặn nước tiểu được thực hiện rất nhiều cả trong KCB nội trú và ngoại trú, tăng 66% trong nội trú so với cùng kỳ, trong khi đây là xét nghiệm chỉ cần thực hiện đối với bệnh nhân nghi ngờ có bệnh thận.


Hay tại BV đa khoa tỉnh Quảng Nam, ngay sau khi thực hiện viện phí mới, các chỉ định các dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng đã bất ngờ gia tăng. Nếu như quý 2/2012, tại BV này có mức trung bình 7 xét nghiệm/đợt điều trị nội trú; quý 3/2012 là 7,3 xét nghiệm; thì sang đến quý 4/2012 là quý đầu tiên thực hiện viện phí mới thì con số này tăng gấp 3 lần với 22,1 xét nghiệm/đợt điều trị nội trú; quý 1/2013 là 14,8 xét nghiệm/đợt điều trị.


Đại diện BHXHVN cho biết, đã yêu cầu cơ quan BHXH địa phương từ chối thanh toán các trường hợp thống kê thanh toán trùng lắp, đồng thời phối hợp với lãnh đạo cơ sở KCB giải quyết các trường hợp chỉ định không hợp lý, không phù hợp chẩn đoán, nhất là các xét nghiệm cận lâm sàng phổ biến, các dịch vụ kỹ thuật trong chẩn đoán hình ảnh (MRI, CT Scanner, siêu âm), các thuốc bổ trợ, thuốc kháng sinh, thuốc đắt tiền; các trường hợp kê đơn, cấp thuốc ra viện không đúng quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, cán bộ BHXH sẽ phối hợp với cơ sở KCB rà soát lại định mức kinh tế kỹ thuật và thực tế sử dụng của các dịch vụ y tế nhằm kịp thời kiến nghị mức điều chỉnh phù hợp.


Hiền Thục

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN