Chấn chỉnh việc lạm dụng chứng thực văn bản, giấy tờ

Lạm dụng chứng thực bản sao trong thực hiện thủ tục hành chính đang là một vấn đề gây bức xúc đối với người dân và lãng phí cho xã hội, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã làm rõ vấn đề này trong Chương trình “Dân hỏi bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong Chương trình “Dân hỏi bộ trưởng trả lời”

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, người dân đã nộp bản sao có chứng thực như thành phần hồ sơ yêu cầu, nhưng cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ vẫn yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu là trái với Nghị định 79/2007/NĐ - CP (NĐ 79) của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính. Theo quy định của nghị định, khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân có quyền lựa chọn: Hoặc nộp bản sao được cấp từ sổ gốc và bản sao được chứng thực từ bản chính; hoặc nộp bản photocopy xuất trình kèm bản chính để công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu với bản photocopy với bản chính.


Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng việc chứng thực văn bản, giấy tờ như: Các cơ quan tổ chức không nắm chắc các văn bản mới ban hành, chất lượng chứng thực bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao từ bản chính chưa tốt, tình trạng làm giấy tờ giả trong xã hội còn phức tạp, tâm lý ngại đối chiếu, sợ trách nhiệm của người tiếp nhận thủ tục hành chính.


“Cũng chính từ những lý do trên, tình trạng sử dụng bản sao có chứng thực đã vượt quá sự cần thiết (mỗi năm có khoảng 100 triệu bản sao). Điều này vừa gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội; vừa tạo áp lực quá tải cho UBND các cấp. Để chấn chỉnh tình trang nêu trên, ngày 20/6/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT - TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.


Theo đó, khi cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì người tiếp nhận văn bản, giấy tờ không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm bản chính thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính mà không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính rà soát những văn bản hành chính do cơ quan, tổ chức ban hành dưới hình thức quyết định, thông báo, công văn và các hình thức văn bản khác, phát hiện những quy định về thủ tục hành chính trái với quy định tại NĐ 79; tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế theo thẩm quyền cho phù hợp. Các nhiệm vụ nêu trên phải hoàn thành trước ngày 31/3/2015.


Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định: “Việc UBND cấp xã khi thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính cho người dân không chấp nhận bản photocopy từ bản chính do người dân mang đến, mà yêu cầu phải photocopy tại trụ sở UBND và thu tiền photo cũng là trái với Nghị định 79. Người dân có thể tự photocopy văn bản, giấy tờ cần chứng thực, đồng thời mang bản chính đến UBND cấp xã yêu cầu chứng thực, người thực hiện chứng thực có trách nhiệm đối chiếu bản sao với bản chính”.


Hiện nay, nhiều phòng tư pháp, UBND cấp xã đã trang bị máy photocopy để sao chụp giấy tờ để chứng thực cho người dân và có thu tiền dịch vụ. Phần lớn những đơn vị này đều quy định rõ mức thu phù hợp với giá thị trường, niêm yết công khai tại trụ sở, quản lý thu chi minh bạch đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định về việc thu phí dịch vụ photocopy giấy tờ khi yêu cầu chứng thực nên cũng dẫn đến việc có nơi thu tiền sao chụp cao hơn thị trường, gây bức xúc trong nhân dân. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh (nếu có); đồng thời, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ quy định việc thu phí dịch vụ sao chụp giấy tờ chứng thực.


Trọng Thủy

Khắc phục tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực
Khắc phục tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực

Lạm dụng bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính đang là vấn đề gây nhiều bức xúc đối với người dân, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN