Người Tày ở các tỉnh vùng cao như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn… đã tạo dựng cho mình một kho tàng văn hóa dân gian giàu bản sắc. Ngoài những thể loại như câu cắm tặt (tục ngữ), câu đố, lời gạ, truyện cổ, câu hát ru… còn có một thể loại khá độc đáo dùng để hát giao duyên của nam nữ người Tày. Đó là câu hát Yếu. Từ lâu, câu hát Yếu được đồng bào Tày sáng tác, lưu truyền và gìn giữ cho đến ngày nay…
Theo nghệ nhân Ma Thanh Sợi, người sưu tầm các thể loại dân gian ở Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai) thì Yếu là một thể loại dân ca truyền miệng dân gian của người Tày để ca ngợi tình yêu nam nữ thanh niên, yêu quê hương, làng bản, yêu lao động sản xuất, ca ngợi vẻ đẹp của tự nhiên, xã hội, con người, chào mừng các sự kiện, chào mùa xuân, mừng nhà mới, đám cưới, chúc mừng khách quý, bạn thân… là một trong ba dòng dân ca chính của người Tày (hát yếu, khắp then, rận giáo trong đám ma).
Học sinh Tày Nghĩa Đô (Lào Cai) hôm nay được sinh hoạt ngoại khóa bằng những câu hát Yếu Tày. |
Hát Yếu được diễn xướng ở mọi nơi, mọi lúc, ở mọi người, ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ, mạnh mẽ và sâu đậm nhất là tiếng hát trao duyên giữa nam và nữ, giữa những người chưa vợ chưa chồng, đặc biệt là những người đã đủ đôi, ở tuổi trung niên, hát Yếu càng đằm thắm sắc nét. Hát Yếu thường được tổ chức vào mùa cưới hỏi, chơi hội, khi thu hoạch lúa mùa xong. Khi ấy, những chàng trai cô gái Tày thường tỏ tình, hát Yếu để giao duyên, trao đổi tâm tư tình cảm với nhau.
Hát Yếu rất phong phú đa dạng, nhưng có thể chia thành hai dạng cơ bản: Thứ nhất là ở thể tự do, ai hát, hát lúc nào, bất cứ đề tài gì, ở đâu… đều dùng lời nói cất giọng thành hát Yếu. Thứ hai là hát Yếu có bài bản, theo cốt truyện có đề tài, đó là các bài Yếu ở thể trường ca. Loại này phải là nghệ nhân điêu luyện, có một năng khiếu đặc biệt, vừa nắm được rất nhanh những bài hát yếu hàng nghìn câu, lại vừa biết vận dụng để khi vấp đâu, có thể gỡ luôn nghe hợp lý để dồn đối phương vào thế bị động. Ở thể này xưa kia, vùng Tày Nghĩa Đô (Lào Cai) có đến chục truyện Yếu, tiêu biểu nhất là bài trường ca khảm hải, bài xưng danh các địa danh ở vùng Nghĩa Đô, bài tiễn người quá cố lên thiên đường, thượng giới ở thể Yếu. Đến nay đã bị mất nhiều vì các nghệ nhân đã qua đời hoặc già cả mất trí nhớ.
Hát yếu của đồng bào Tày có tác dụng nhiều mặt. Kể cả khen, chê, giáo dục, bảo tồn, phát huy, động viên… nhưng đưa vào lúc nào cho nó phát huy được là ở tài vận dụng của nghệ nhân. Hát Yếu không có kiêng kị, hạn chế, ràng buộc, ở trạng thái nào cũng đều dùng được. Chỉ riêng có các đám tang người ta không dùng loại hát Yếu tỏ tình, tự do, nếu đám tang có tính chất hàn ma khô, có nghĩa là sau ba năm, đưa linh hồn lên miền thượng giới, ai nắm được bài đưa ma, Yếu tiễn đưa càng có giá trị.
Dưới đây là một lời hát Yếu của người Tày Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai):
Lời của nam:
Mự mậy pì pây khen vái ná chả
Chưng hăn thao thíps hả má mướng
Mự nậy pì pây pfôi mạ ná đon
Chưng hăn thao thíps thoong má tồ
Chưng hăn ngược khó khẳm khửn chương
Chưng hăn thao táng mướng khảu roạn
Má roạn xa thức răng noọng ơi
Má roạn xa nặm đây âm pãc rứ giỡ
Nặm đây pây theo hãt pẫy má
Nặm mfạc pây theo khun phiêng quan pẫy lại
Cẩm hua kệt bão rại đởi pì thắc cắm
Còi au vậy má lăng đảy tiểng
Nam lại hỏi tiếp vì nữ chưa trả lời:
Khuyên rặt dỡ khuyên rặn
Khuyên au nặm khửns bâm
Khuyên au lục nhính ông hẩư đảy
Mí đảy pì mí dã
Nã đảy pì nã thơi
Thoong tin dậm phẵng tà hẩư tảng
Thoong tin dâm vuống va hẩư lỡ
Khuyên rặt dỡ khuyên rặn
Khuyên au tôi bẳng nặm bươn thĩ má piếng
Khuyên au niễng đông luông oõc roọng
Khuyên au loỏng phiêng thãc oõc tăm
Khuyên au vuộc khăn đăm hẩư đảy
Lỉn là lỉn thíps thĩ mứa nả
Câu hát Yếu của đồng bào Tày vùng cao mang giá trị nhân văn sâu sắc trong đời sống của đồng bào nơi đây. Hát Yếu thể hiện sự tế nhị trong giao duyên, tỏ tình của trai gái Tày xưa, đồng thời thể hiện khát vọng của con người về cuộc sống tốt đẹp, quan hệ giữa người với người được tốt lành.
Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng