"Cát tặc" hủy hoại lòng sông Luộc

Hàng trăm mẫu đất canh tác bị nhấn chìm xuống sông Luộc là hậu quả của nạn "cát tặc" đang hoành hành, đe dọa cuộc sống và sản xuất của người dân xã Tân Hưng (Tiên Lữ - Hưng Yên). Thực trạng nhức nhối này diễn ra đã nhiều năm nay, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn.

 

Tan biến những bãi bồi màu mỡ


Khu vực bãi bồi thôn Quyết Thắng trước đây vốn màu mỡ, bốn mùa hoa màu xanh bát ngát, nay đang hẹp dần vì sụt lún do nạn "hút ruột" lòng sông của "sa tặc", bãi bồi ngày ngày bị "nuốt" chỉ còn trơ những bờ vực dốc dựng đứng. Có những hố bị ngoạm sâu trên 3 m, dài hàng trăm mét. Đất trên bãi này lúc nào cũng rình rập trôi tuột xuống lòng sông, để sóng cuốn xoáy đi do nhiều đoạn bị "khoét hàm ếch". Nguy cơ sạt lở đe dọa thường xuyên nên bà con không dám đến gần các khu vực này chứ chưa nói đến chuyện sản xuất.


 

Những tàu hút cát ngang nhiên trên sông Luộc. Ảnh: CTV

Ông Trần Văn Đạo và nhiều hộ dân ở thôn Quyết Thắng than vãn: Dòng nước đục ngàu này trước đây vốn là cánh ruộng canh tác mỗi năm 3 vụ, chỉ sau mấy năm các tàu hút cát đến, lòng sông bị khoét sâu cả chục mét. Mỗi khi tàu chạy trên sông sóng đánh vào bờ, từng tảng đất lở xuống sông, làm cho khu bãi có 5 mẫu canh tác của 5 hộ dân thì hơn 4 mẫu đã mất trắng. Nay mỗi hộ chỉ còn hơn 1 sào và rồi đây chắc sẽ không trụ thêm bao lâu nữa, bởi nạn "cát tặc" vẫn diễn ra.


Bà con xã Tân Hưng xót xa cho biết, cả xã có hơn 500 mẫu đất canh tác ngoài bãi, tập trung chủ yếu ở thôn Quyết Thắng và Lê Lợi nhưng đến nay có đến hơn 100 mẫu bị sạt lở, mất trắng. Ruộng bãi vốn là nơi sản xuất làm ăn của người nông dân đang đứng trước nguy cơ "xóa sổ", kéo theo sự đói nghèo đeo bám và nguồn thu hàng tỉ đồng mỗi năm của mấy trăm hộ dân trôi xuống dòng sông như bị đánh cắp.

 

Công khai “rút ruột" lòng sông


Theo người dân Tân Hưng, nạn khai thác cát trái phép diễn ra từ nhiều năm nay. Sôi động nhất là từ giữa năm 2012 đến nay, mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền cỡ lớn, với đủ loại máy móc ngang nhiên hút cát, thậm chí cả ban ngày khi người dân ra đồng làm việc. Trắng trợn hơn, các tàu hút cát còn đấu nối công khai hàng trăm mét ống nhựa từ ngoài sông vào đến tận bên trong đồng nhằm phục vụ việc bơm cát, đường ống được đặt nằm sát bờ đê ngay gần trụ sở UBND xã! Hàng ngày, những cỗ máy khổng lồ thả vòi rồng xuống sát bờ sông thả sức hút cát; mỗi tiếng hàng trăm mét khối. Mỗi ngày, hàng trăm tấn cát từ lòng sông bị hút đi và kéo theo những bãi bồi màu mỡ bị cuốn trôi. Để cứu những mảnh ruộng không bị sạt lở xuống sông, người dân đã nghĩ ra nhiều cách để xua đuổi tàu thuyền khai thác cát trái phép song mọi chuyện vẫn không thay đổi.


Người dân ngán ngẩm cho biết, khu vực bãi bồi của Tân Hưng giáp ranh giữa 3 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, nên "cát tặc" lợi dụng để trốn tránh cơ quan pháp luật và thả sức hoành hành. Gần đây để tránh sự kiểm soát của các lực lượng tuần tra giao thông đường thủy, việc hút cát được chuyển sang sáng sớm.


Hàng ngày chứng kiến cảnh "chướng tai gai mắt" của cát tặc, người dân ấm ức nhưng không thể làm gì, bởi chúng thường xuyên cử người theo dõi đề phòng, nếu người dân để ý chúng sẵn sàng gây gổ đe dọa, nếu gặp lực lượng tuần tra giao thông chúng nhanh chóng thu gọn máy hút, xóa dấu vết. Trước thực trạng này, người dân Tân Hưng đã nhiều lần báo chính quyền địa phương để kêu gọi cơ quan chức năng xử lý nhưng không có hồi âm.

 

Buông lỏng quản lý


Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường Hưng Yên: Toàn tỉnh mới có 7 đơn vị ở 4 huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và Tiên Lữ đang làm hồ sơ dự án xin cấp phép khai thác khoáng sản trên sông Hồng và sông Luộc. Trong đó, xã Tân Hưng có 1 điểm quy hoạch khai thác trên 9 ha. Tuy vậy, tất cả các dự án trên đều đang trong quá trình xem xét, thẩm định và chưa có đơn vị nào được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác. Do vậy, việc kiểm tra là hoàn toàn do huyện chịu trách nhiệm.


Công an xã Tân Hưng cho biết đã phối hợp kiểm tra, song do phân cấp quản lý nên không đủ thẩm quyền và cơ chế để xử lý. Theo nhân dân địa phương, khi nạn khai thác cát trái phép bị dư luận lên tiếng, báo chí vào cuộc nhưng lãnh đạo huyện và cán bộ các cơ quan chức năng ở Tiên Lữ đều khẳng định là "chưa phát hiện được"; hơn nữa "sông Luộc làm gì còn cát mà có sa tặc". Trong khi tàu hút cát ngày nào cũng hoạt động, hậu quả thì ai cũng biết, chỉ cán bộ huyện là "cố tình" không thấy.


Trong khi chờ các cơ quan phân cấp, phân quyền để xử lý tình trạng trên, tại nhiều xã ở Tiên Lữ như Hải Triều, Hoàng Hanh, Thiện Phiến và ở một số huyện khác trong tỉnh như: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên, Tiên Lữ... nạn khai thác cát trái phép trên các dòng sông vẫn diễn ra, những cánh đồng bãi màu mỡ vẫn tiếp tục bị "hà bá" ngoạm nuốt từng ngày. Dư luận cũng đặt câu hỏi: Chẳng lẽ không có cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý, hay có sự "bật đèn xanh" của thế lực nào đó nên các tàu hút cát tha hồ hoành hành?


Một người dân thôn Lê Lợi, xã Tân Hưng chua chát nhận xét: "Nông dân chúng tôi không bị thiên tai phá hại mùa màng, nhưng đang bị "nhân tai" trực tiếp tàn phá những bãi bồi có từ hàng nghìn năm, cướp đi nguồn tư liệu sản xuất, gieo rắc những hậu họa khó lường". Nếu cơ quan chức năng của địa phương thấu hiểu lợi nhuận của nạn khai thác cát trái phép càng cao, thì hậu quả để lại cho người dân càng lớn, để từ đó có biện pháp xử lý nghiêm thì sẽ không còn tình trạng này xảy ra.


P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN