Trong cái không khí ấm cúng, sum vầy ngày Tết, canh bột lá yao – một món ăn truyền thống của người Ê Đê lại làm nức lòng những người con xa xứ trở về và gắn kết các thành viên trong gia đình.
Những ngày đầu năm mới, các thành viên trong đại gia đình ông Y Prênh Ayun ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar dù đang sinh sống, học tập, làm việc ở bất cứ nơi đâu cũng trở về buôn, về với gia đình để quây quần bên nhau đón Tết. Bên bếp lửa bập bùng trong căn nhà sàn tre, những người phụ nữ thoăn thoắt chuẩn bị các món ăn, trong đó có món canh bột lá yao. Trong gia đình ông, chẳng ai biết rõ món ăn này có từ khi nào, chỉ biết rằng món canh bột lá yao có từ rất lâu về trước, mỗi khi Tết đến Xuân về hoặc dịp đặc biệt, người Ê Đê lại nấu món canh này.
Ông Y Prênh Ayun cho biết, bữa cơm ngày Tết rất quan trọng với người Ê Đê vì đây là bữa cơm sum họp, sau một năm hay vài tháng mới đông đủ các thành viên. Các món ăn như canh bột lá yao dẫu có chút cầu kỳ trong khâu chuẩn bị và khâu nấu nhưng rất quan trọng cho bữa ăn sum vầy. Bởi vậy, năm nào gia đình ông cũng chuẩn bị món canh này và cùng nhau thưởng thức.
Canh bột lá yao có nhiều nguyên liệu, gia vị kết hợp tạo nên như thịt/xương heo hoặc vếch bò (phần đầu ruột non của bò), cây môn thục, cà đắng phơi khô, đu đủ xanh, gạo, lá yao (một loại lá rừng có vị ngọt, mùi thơm, hình dáng giống lá trầu không), lõi chuối, củ nén, muối, ớt, bột ngọt. Gạo sau khi ngâm sẽ được để ráo nước, sau đó giã chung với lá yao cho tới khi nát đều, mịn như bột. Thịt/xương thì được ướp gia vị. Các nguyên liệu khác như đu đủ, cây môn thục, lõi chuối được làm sẵn trước khi nấu. Trong căn bếp của người Ê Đê những ngày này, nhộn nhịp nhất có lẽ là thời khắc những người phụ nữ tất bật bên bếp - người thổi bếp, người giã gạo với lá yao, người gọt đu đủ, người cắt lõi chuối.
Để nấu món canh bột lá yao, người Ê Đê xào xương trước, sau đó bỏ đu đủ, lõi chuối, môn, cà đắng vào xào chung. Sau khi bỏ nước vào nồi canh, đợi nước sôi, người Ê Đê sẽ chắt nước từ hỗn hợp bột gạo với lá yao đã giã nát để bỏ vào nồi canh. Kết thúc, người Ê Đê nêm gia vị để có một món canh bột lá yao hoàn chỉnh, nóng hổi, thơm phức.
Theo chị H’Linh Ayun, buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar, nguyên liệu quan trọng nhất của món canh bột lá yao là bột gạo và lá yao. Bột gạo dùng để tạo độ sệt cho món canh. Lá yao thơm, có vị ngọt ngọt. Các nguyên liệu khác có thể thay thế được. Lá yao rất dễ trồng, hiện nay người Ê Đê đã trồng lá yao ngay trong vườn nhà nên món ăn này còn được nấu vào các dịp đặc biệt như cưới hỏi, ma chay, tiệc tùng.
Một điểm cần chú ý là khi nấu canh bột lá yao, người nấu phải khuấy đều tay và canh lửa để tránh món canh bị đặc và khét. Khi ăn, canh bột lá yao thường được ăn kèm với cơm, cùng với các món truyền thống khác của người Ê Đê như cà đắng giã muối ớt, đu đủ giã kiến vàng, lá mì (sắn) xào, xôi nếp hấp,… Ăn món canh bột lá yao sẽ cảm nhận chút vị đắng của cà, vị cay của ớt, vị sệt sệt của nước canh, vị béo béo của thịt bở và cả mùi thơm dịu của lá yao. Có lẽ vì vậy mà càng ăn canh bột lá yao càng hao cơm, càng muốn ăn và sau đó là nhớ mãi.
Là một người con của buôn làng, sinh ra và gắn bó với món canh bột lá yao, chị H Loan Ayun, buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar chia sẻ, một năm làm lụng vất vả xa nhà, chị luôn mong chờ tới bữa cơm đầm ấm ngày Tết bên gia đình. Chị và các thành viên khác trong gia đình đều có tình cảm đặc biệt với món canh bột lá yao. Là thế hệ trẻ, mỗi dịp Tết đến nhìn mẹ và các dì, mợ nấu món canh này, chị cũng muốn học hỏi để giới thiệu đến bạn bè và lưu giữ cho thế hệ sau này.
Bên ché rượu cần cạnh bếp than hồng vẫn còn ửng lửa, người Ê Đê sum vầy bên nhau, cùng thưởng thức bữa ăn ngày Tết, thưởng thức món canh bột lá yao và trò chuyện rôm rả mong một năm mới ấm cúng, đoàn kết, suôn sẻ. Còn đối với du khách – những người ngẫu hứng có chút vô tình được lạc vào bữa ăn ấy, được thưởng thức món canh bột lá yao thì như say theo hương men rượu cần, say theo mùi hương lá yao và càng thích thú với văn hóa ẩm thực của người Ê Đê.