Ngày 25/9, bác sỹ Nguyễn Thị Minh Phượng, Viện Paster TP.HCM, cho biết: Trong ba năm trở lại đây, bệnh dại ở nước ta đang có chiều hướng tăng lên rõ rệt và lan rộng ra nhiều tỉnh, nhất là ở các tỉnh miền núi và trung du. Đáng chú ý là tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao nhất rơi vào nhóm trẻ dưới 15 tuổi.
Từ đầu năm đến nay cả nước đã có 62 ca tử vong, riêng ở khu vực phía Nam có 7 ca tử vong do mắc bệnh dại. Nguyên nhân tử vong cao là do bệnh nhân vẫn còn lơ là và chủ quan trong việc tiêm ngừa sau khi bị súc vật nghi dại cắn. Bên cạnh đó, việc tiêm vắcxin phòng dại cho động vật nuôi chiếm tỷ lệ quá thấp. Ở những tỉnh có tỷ lệ bệnh dại lưu hành và phát triển cao, tỷ lệ tiêm vắcxin cho đàn chó chỉ đạt hơn 10%. Ngoài ra, đến nay cả nước vẫn chưa quản lý được các ổ dịch dại ở động vật nuôi…
Các bác sỹ đều khẳng định, tất cả bệnh nhân mắc bệnh dại khi đã lên cơn dại đều bị tử vong. Biện pháp duy nhất để cứu chữa những người bị súc vật dại cắn hoặc tiếp xúc với virút dại là phải tiêm vắcxin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả. Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn. Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm càng tốt. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắcxin.
Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 20 - 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường từ 2 - 4 ngày. Trước đó, bệnh nhân thường có các triệu chứng như: bị đau nhức, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn...
Đan Phương