Tổ hợp tác đan đát tại ấp Thời Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ giúp cho nhiều hội viên dân tộc Khmer có việc làm thu nhập ổn định. Nguồn: baocantho.com.vn |
Đề án được thực hiện tại các huyện Ô Môn, Cờ Đỏ và Thới Lai, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Kinh phí của đề án là hơn 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương gần 100 tỷ đồng, còn lại huy động từ các nguồn khác.
Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Cần Thơ cho biết, mục tiêu của đề án là trong năm 2018, thành phố mở 60 lớp dạy nghề sơ cấp với 50 nghề khác nhau, đào tạo cho khoảng 700 người dân tộc Khmer trong độ tuổi lao động, chưa qua đào tạo nghề và có nhu cầu học nghề; đồng thời tư vấn, giới thiệu việc làm sau đào tạo cho các học viên.
Học viên được học tập trung tại các trường cao đẳng nghề và các cơ sở dạy nghề với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người/khóa học, mỗi học viên chỉ được hỗ trợ chi phí học nghề một lần. Trường hợp học viên đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc, địa phương xem xét tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm nhưng tối đa không quá 2 lần.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các quận, huyện mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại địa phương. Doanh nghiệp tham gia đào tạo trên tinh thần tự nguyện và cam kết tiếp nhận học viên là người dân tộc Khmer vào làm việc trong thời gian tối thiểu một năm sau khi tốt nghiệp. Tính đến tháng 2/2018, Sở đã vận động thành công một số doanh nghiệp lớn như: Công ty may giày Taekwang, Nhà máy may Vinatex Cần Thơ... tham gia liên kết đào tạo và tiếp nhận lao động là người dân tộc Khmer.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Cần Thơ cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và các đơn vị quản lý tiến hành nhân rộng, phát triển các mô hình hoạt động hiệu quả trong những năm qua như mô hình "Nhóm phụ nữ dân tộc đan đát lục bình”, Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Kim Hưng tại huyện Cờ Đỏ, mô hình “Nhóm phụ nữ dân tộc dệt chiếu” tại huyện Thới Lai, mô hình “Nhóm phụ nữ dân tộc đan lưới cước đánh bắt thủy sản” tại huyện Ô Môn… Sở cũng tạo điều kiện để các mô hình có sự liên kết với các cơ sở kinh doanh ký kết thỏa thuận đặt hàng lâu dài và hỗ trợ nguyên liệu để đảm bảo "đầu ra" của sản phẩm.
Các lao động là người Khmer có nguyện vọng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được thành phố hỗ trợ vay vốn và cung cấp giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; đồng thời phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tiên tiến, áp dụng các mô hình canh tác khoa học nhằm giảm rủi ro và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác.
Về công tác dạy và học chữ Khmer cho học sinh dân tộc Khmer, ông Lương Văn Trừ, Trưởng ban Dân tộc thành phố Cần Thơ cho biết: Chữ viết được xem như linh hồn trong văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy và học chữ Khmer ở các trường phổ thông còn nhiều hạn chế, ít trường tổ chức lớp học song ngữ; số tiết học chữ Khmer ở các lớp song ngữ không nhiều; trình độ giáo viên không đồng đều…
Do đó, chủ trương của thành phố Cần Thơ trong thời gian tới là phát triển và nhân rộng việc giảng dạy chữ Khmer trong cộng đồng mang tính xã hội hóa bên cạnh việc dạy và học chữ Khmer tại các trường phổ thông. Việc giảng dạy chữ Khmer trong cộng đồng có sự tham gia của các vị sư sãi, Achar (cư sĩ thành viên Ban Quản trị chùa) từ các chùa Khmer. Đồng thời, Ban Dân tộc thành phố Cần Thơ sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, các mô hình xã hội hóa trong và ngoài nước nhằm duy trì, nhân rộng những điểm dạy chữ Khmer trong cộng đồng.
Dự kiến, việc giảng dạy sẽ được tổ chức chủ yếu tại các chùa Khmer hoặc tại nhà dân với kinh phí hoạt động do Hội Khuyến học thành phố chi trả cùng sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Ngoài ra, Ban Dân tộc cùng Hội Khuyến học thành phố cũng kêu gọi sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, sách vở, dụng cụ học tập và các suất học bổng... của cộng đồng để thực hiện hiệu quả việc dạy chữ viết Khmer cho đồng bào dân tộc Khmer.