Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đứng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong. Hiện căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam.
Bệnh nặng mới nhập viện
“Tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc COPD phải nằm điều trị chiếm 25% tổng số bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân nhập viện khi đã trong tình trạng nặng nhất, là cấp độ 3 -4, trong đó khoảng 15% bệnh nhân có biến chứng suy tim. Nhiều trường hợp khi nhập viện mới biết mắc bệnh COPD dù bệnh đã ở giai đoạn cuối cùng. Nghĩa là, trong cộng đồng còn nhiều trường hợp chưa được phát hiện bệnh, chỉ vào viện khi đã có biến chứng”, PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.
Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, do COPD là một bệnh không có triệu chứng rõ nét và diễn biến âm thầm, không gây nguy hiểm tức thì nên việc phát hiện bệnh thường bị muộn. Thậm chí, dù bị ho dai dẳng nhiều năm nhưng nhiều bệnh nhân vẫn nghĩ là ho thông thường nên không đi khám bệnh. Họ chỉ đến bệnh viện khi bị ho có đờm, khó thở, thậm chí suy hô hấp. Hơn nữa, việc phát hiện và điều trị bệnh đòi hỏi phải có đủ nhân lực và trang thiết bị chuyên dụng. Tuy nhiên, nhiều thầy thuốc cũng chưa hiểu rõ về căn bệnh này và tại các cơ sở y tế tuyến dưới cũng chưa có những trang thiết bị cần thiết nên không ít nhiều bệnh nhân COPD đã bị “bỏ sót”.
Bác Trần Văn Nam, ở Phú Thọ, một bệnh nhân mắc bệnh COPD, đang điều trị ở BV Bạch Mai, là một bệnh nhân điển hình như thế. Mắc bệnh từ năm 2000, hàng năm, bác Nam đều phải nhập BV huyện vì bị khó thở; nhưng khi được hỏi, bác Nam vẫn nghĩ rằng mình bị bệnh hen.
“Tôi hút thuốc lá, thuốc lào từ năm tôi 20 tuổi. Mãi đến năm 56 tuổi tôi mới bỏ thuốc sau một lần bị cấp cứu do khó thở. Nhiều lần đi chữa bệnh nhưng ở tuyến dưới không có trang thiết bị hiện đại, thuốc điều trị cũng không đặc hiệu như ở BV Bạch Mai, tôi cũng chẳng được tư vấn để ngăn ngừa những đợt khó thở... Hậu quả là bệnh của tôi không thuyên giảm, những cơn khó thở ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đến giờ tôi mới biết mình mắc bệnh COPD. Nhưng sức khỏe giờ đã yếu đi nhiều, bác Nam cho hay.
Một bác sĩ điều trị cho biết, với những bệnh nhân đã có biểu hiện suy hô hấp như bác Nam thì cuộc sống sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng: Người bệnh phải hạn chế đi lại, chủ yếu sống trong nhà, giao tiếp xã hội bị hạn chế... Về lâu dài, bệnh nhân sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội... nhiều người mắc bệnh trầm cảm... Đặc biệt, bệnh COPD dễ dẫn đến các biến chứng bệnh phổi khác như viêm phổi, tràn khí màng phổi, u phổi và khiến nhiều bệnh khác nặng thêm như suy tim, đái tháo đường, thậm chí tử vong.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Để tránh tình trạng biến chứng nặng do COPD, người dân nên tới BV để khám ngay khi có các dấu hiệu: Ho húng hắng hoặc thành cơn, khạc đờm kéo dài về buổi sáng hoặc những người có tiếp xúc thường xuyên yếu tố nguy cơ (hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp...), có biểu hiện mệt nhanh khi đi bộ, có dấu hiệu khó thở khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
PGS.TS Ngô Quý Châu khuyến cáo, những người đang hút thuốc không nên xem nhẹ những biểu hiện ho, khạc đờm vào buổi sáng, không nên nghĩ rằng ho là biểu hiện thông thường ở người hút thuốc. Đến khi xuất hiện triệu chứng khó thở do phải gắng sức hoặc khi thay đổi thời tiết thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, chức năng phổi đã suy giảm nhiều, do vậy việc điều trị thường ít mang lại hiệu quả.
Thực tế, việc hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân nghiêm trọng nhất, gây bệnh COPD ở hơn 90% các trường hợp. Độ tuổi hút thuốc lá càng sớm và hút số lượng càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh COPD càng cao, khoảng 20 -30% số người hút từ trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của bệnh COPD.
“Bệnh COPD chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn tuy nhiên đây là bệnh có thể dự phòng và điều trị để giúp làm chậm lại tốc độ tiến triển nặng lên của bệnh thông qua việc dùng thuốc đúng cách và đầy đủ, tránh tiếp xúc với tất cả các yếu tố nguy cơ đặc biệt là khói thuốc lá, thuốc lào”, PGS.TS Ngô Quý Châu khẳng định.
Để phòng ngừa bệnh, người dân tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh như khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, tiếp xúc bụi, hóa chất nghề nghiệp. Đặc biệt không được hút thuốc lá, thuốc lào...
Đối với người không may đã mắc bệnh, trước hết người bệnh phải tuân thủ nghiêm túc các chỉ dẫn của bác sĩ như: bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc; dùng thuốc theo chỉ dẫn của BS; tiêm phòng vắcxin cúm. Bệnh nhân cũng cần tìm hiểu, trang bị các kiến thức về bệnh COPD để đi khám bác sĩ hoặc nhập viện cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, bệnh nhân nên duy trì tinh thần lạc quan, chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý.
Phương Liên