Sự đầu tư cho thể thao người khuyết tật vẫn còn khiêm tốn, nhất là chế độ tập huấn, tiền thưởng.
Các VĐV khuyết tật Việt Nam cần được chăm lo thường xuyên hơn về chế độ, để có thể tập trung tập luyện và giành thành tích cao nhất. |
Kể từ ASEAN Para Games II tại Việt Nam năm 2003, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, luôn nằm trong tốp đầu khu vực Đông Nam Á và có thành tích tốt tại các giải thể thao người khuyết tật châu Á, thế giới. Tuy nhiên, đặt trong quỹ đạo đi lên của thể thao Việt Nam, có một thực tế không thể phủ nhận là thể thao người khuyết tật vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi so với thể thao thành tích cao...
Trước đây, để tham dự các giải đấu quốc tế, các VĐV khuyết tật nằm trong đội tuyển quốc gia chỉ được tập trung tập huấn trong khoảng 3 tháng và được hưởng chế độ tiền công, tiền ăn ngang bằng với những VĐV đỉnh cao (350.000/người/ngày). Điều đáng nói là với chế độ và thời gian tập huấn còn eo hẹp như vậy, nhưng các VĐV khuyết tật luôn có sự bứt phá đáng khâm phục về thành tích: VĐV điền kinh Nhữ Thị Khoa giành 5 HCV, phá kỷ lục ASEAN Para Games III năm 2005; VĐV cử tạ Nguyễn Thị Hồng xếp hạng 4 tại Paralympic London 2012; VĐV ném lao Cao Ngọc Hùng phá kỷ lục châu Á khi thi đấu tại ASEAN Para Games VII...
Để có thể xuất hiện tại các giải thi đấu quốc tế, hằng ngày, ngoài việc tập luyện, các VĐV khuyết tật vẫn phải đi làm thêm để có tiền nuôi sống bản thân và theo đuổi niềm đam mê thể thao của mình. Cuộc vật lộn mưu sinh của những nhà vô địch thì chẳng ai còn lạ, như VĐV Nhữ Thị Khoa bán bánh mỳ trên phố Lò Đúc (Hà Nội), Nguyễn Thị Hồng bán vé số dạo trên xe lăn khắp TP Hồ Chí Minh, lực sỹ Lê Văn Công sửa chữa điện tử thuê ở TP Hồ Chí Minh... Giá trị của những tấm huy chương của VĐV khuyết tật bởi thế, phải đổi bằng cả những giọt mồ hôi mặn chát trong lao động cực nhọc của cuộc sống thường nhật.
Xuất phát từ thực tế đó, mới đây, Tổng cục TDTT đã thông qua một kế hoạch tập huấn dài hạn đối với lực lượng VĐV trọng điểm trước thềm Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á - Asian Para Games 2014 (tại Incheon, Hàn Quốc, vào tháng 10). Theo đó, các VĐV khuyết tật đã đạt chuẩn tham dự ASIAN Para Games được tập trung từ ngày 1/3 đến hết tháng 9. Trong khoảng thời gian này, các VĐV khuyết tật tham dự các giải thể thao người khuyết tật của khu vực, thế giới đạt thành tích, đạt chuẩn cũng sẽ được bổ sung tập huấn theo chế độ duy trì tập huấn tập trung này là 350.000/người/ngày. Vào giai đoạn “nước rút” chuẩn bị tham gia thi đấu, chế độ ăn cho VĐV sẽ được điều chỉnh đảm bảo tốt hơn chế độ thường ngày.
Đây thực sự là niềm vui lớn đối với nhiều VĐV khuyết tật. Cặp uyên ương phá lỷ lục thế giới môn ném lao, Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải, như reo lên trong điện thoại khi nhận được thông tin này. Bộ đôi này chia sẻ, với chế độ tập huấn mới như vậy, họ bớt đi được một gánh nặng lớn trong chặng đường mưu sinh, để an tâm tập luyện, hướng tới mục tiêu đạt thành tích cao nhất tại Asian Para Games sắp tới.
Tuy nhiên, số VĐV khuyết tật được hưởng chế độ mới vẫn là quá ít so với đội ngũ VĐV khuyết tật hiện nay trên khắp cả nước và chỉ tập trung vào những gương mặt quen thuộc ở các đội tuyển quốc gia. Ngoài ra, việc chế độ này có đến thường xuyên với các VĐV hay không vẫn còn là dấu hỏi. Mong mỏi của các VĐV khuyết tật là xu hướng đầu tư này sẽ được nhân rộng ra tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, nghĩa là chế độ dành cho VĐV khuyết tật được cải thiện từ cấp cơ sở. Nhưng đây thực sự là một bài toán khó.
Dẫu sao, việc xây dựng được một chế độ mới ở các đội tuyển quốc gia trong năm nay cũng có thể được coi là mốc son, đánh dấu một sự chuyển biến tích cực, đáp ứng được phần nào nguyện vọng của các VĐV khuyết tật, giúp họ bớt đi những dằn vặt “cơm, áo, gạo, tiền”, để họ tập trung vào tập luyện, thi đấu và giành thành tích cao nhất về cho Tổ quốc.
“Ngoài ý nghĩa nhân văn là giúp người khuyết tật có sân chơi để hòa nhập cộng đồng, thì các VĐV khuyết tật khi tham gia thi đấu quốc tế còn là đại diện, thể hiện khát vọng, ý chí và nghị lực của cả một dân tộc. Quá trình phấn đấu giành huy chương vì màu cờ sắc áo của dân tộc của mỗi VĐV khuyết tật thực gian khổ và giá trị gấp nhiều lần so với những tấm huy chương thể thao thông thường mà chúng ta từng thấy”, ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Paralympic Việt Nam, đồng thời là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.
Hiện nay, cả nước có 3 đơn vị đi đầu trong công tác phát triển phong trào thể thao người khuyết tật là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quảng Trị. Đây cũng là những đơn vị nòng cốt có nguồn lực lượng VĐV khuyết tật dồi dào, cung cấp những VĐV khuyết tật có tố chất, tiềm năng phát triển đưa vào chương trình đào tạo tập huấn nâng cao cho các đội tuyển quốc gia. Nhưng ngay như TP Hồ Chí Minh hiện cũng không có chế độ tập huấn quanh năm...
Bình Minh