Đồng bào Cơ Tu là bộ tộc sống lâu đời trên dãy Trường Sơn. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, người Cơ Tu vẫn giữ được bản sắc riêng cho bộ tộc mình qua các lễ hội, trang phục, âm nhạc... Ẩm thực truyền thống của người Cơ Tu rất đa dạng, phong phú như các món nướng, lam, xông khói…
Sơn nữ Cơ Tu giới thiệu món ếch núi. |
Món đầu tiên là thịt heo rừng nướng. Thịt heo rừng không già hoặc non, xắt miếng lớn, ướp với muối ớt, tiêu rừng cho thấm sau đó xiên vào que nướng trên than hồng. Món này khi nướng, bốc lên mùi thơm hấp dẫn. Khi thịt chín, có thể vừa cầm que vừa ăn hoặc lấy ra từng miếng để ăn, ăn hơi nóng, vừa thổi vừa ăn. Ngoài ra, bà con làm món thịt muối như sau: Thịt heo rừng bóp với muối và cơm sau đó cho vào ché bịt lại. Để càng lâu càng ngon. Món này nấu với các loại rau rừng thì rất đậm đà hương vị “rừng xanh”.
Một số món ăn truyền thống của người Cơ Tu. |
Ếch nướng lồ ô cũng là một món độc đáo của người Cơ Tu. Ếch núi sau khi làm sạch sẽ, ướp gia vị và bỏ thêm vài lá thiên niên kiện, đậy ống bằng lá chuối và nướng đều xung quanh ống bằng than đỏ. Món này dọn ra ăn nóng có hương vị rất đặt biệt, thơm ngon hết mực.
Người Cơ Tu mang thức ăn truyền thống chiêu đãi mọi người.
|
Một số món ăn truyền thống. |
Người Cơ Tu còn có món hấp dẫn là cá niên nướng. Cá niên (cá liên) là một loại cá nhỏ khoảng 2 ngón tay, thân hơi lép, có mầu trắng bạc. Cá vài chục con đem rửa sạch mang để ráo. Thuận tay bẻ nhánh mấy cây khô ven bờ suối, nhóm bếp lửa trên tảng đá to và bằng phẳng. Khi có nhiều than hồng, kẹp vài ba con cá niên tươi rói nướng trên đống than đỏ rực. Cá “quẫy” mình rồi nằm im trong sức nóng của hơi than hồng và từ khối đá. Luôn tay trở đều từng con cá để chín đều vàng ươm và tươm mỡ. Một lát sau cá đã được bày trên cái mâm dã chiến bằng lá chuối rừng. Nhanh tay, hái vài quả ớt rừng, lấy hòn đá tròn dưới suối giã cùng với nhúm hạt muối là có thức chấm. Cá niên nướng dân dã như vậy, không ướp bất cứ gia vị nào nhưng vẫn tỏa mùi thơm “bát ngát”. Cá càng nhỏ, ăn càng ngon với cái dai, béo, bùi của thịt, dòn và ngọt của xương.
Hầu hết, nhà nhà Cơ Tu đều biết làm bánh cuốt (avi cuốt) - loại bánh có hình dạng gần giống như bánh ú ở vùng đồng bằng. Tùy theo cư dân ở vùng cao hay thấp mà loại bánh này có tên gọi khác nhau: c'cot, cuốt, acuốt. Lá gói bánh là lá chuối, lá dong, và phổ biến nhất là lá đót (axở, atơớng) mọc rất nhiều ở rừng nên cũng có tên gọi là bánh đót. Các phụ nữ Cơ Tu đều được người già bày gói bánh cuốt từ rất sớm. Nguyên liệu gói bánh là nếp thơm, nếp than do đồng bào sản xuất ra, gói một cách tinh tế, nghệ thuật bằng lá đót, có bề dài khoảng 12 - 15 cm, ở giữa bánh phình ra, hai đầu nhọn và con lại như hai cái và buộc hai cái bánh vào với nhau thành một cặp.
Người Cơ Tu vui trong ẩm thực truyền thống. |
Cơm lam có ở nhiều nơi, nhưng lam nếp của người Cơ Tu rất đặc biệt, đồng bào lấy nếp thơm, nếp than vuốt sạch bỏ vào ống lô ô, thêm tí nước và bịt ống bằng lá chuối, nướng đều bên bếp lửa. Khi chín, nếp chín tỏa mùi thơm thì mang ra bóc vỏ lồ ô và cắt khúc để ăn.
Bài và ảnh: Khánh Loan