Tỉnh Trà Vinh có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, phần nhiều người dân sinh sống nơi vùng nông thôn, vùng sâu, vùng khó khăn. Nhiều năm qua, bằng nguồn vốn của Trung ương, ngân sách địa phương, tỉnh Trà Vinh đầu tư nhiều chương trình, dự án, với mục tiêu làm chuyển biến toàn diện vùng đồng dân tộc Khmer trong tỉnh. Tuy nhiên, do có điểm xuất phát thấp, nguồn lực không đủ nên điện sinh hoạt và sản xuất vẫn là niềm mơ ước của đồng bào nơi đây.
Kéo điện sinh hoạt “về” phum sóc Trà Vinh. |
Năm 2011, Chính phủ phê duyệt đầu tư Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer Trà Vinh”, do Tổng công ty Điện lực miền Nam cùng các đơn vị thành viên thực hiện, với tổng nguồn vốn gần 470 tỷ đồng đã hoàn thành, cung cấp điện cho 34.915 hộ dân. Mơ ước có điện của đồng bào Khmer sau bao nhiêu năm chờ đợi đã thành hiện thực.
Con đường về ấp Hương Phụ B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, được trải nhựa cách đây hơn 5 năm bây giờ đã đẹp hơn khi được điểm thêm hàng trụ điện hạ thế dọc bên lề. Phum sóc rộn rã hơn vì trong mỗi ngôi nhà đều vang lên tiếng nhạc, tiếng hát được phát ra từ những tivi màu còn mới. Anh Kiên Sama, ở ấp Hương Phụ B khoe rằng, có điện, anh mới mua ti vi, trang bị cho 2 đứa con bộ bàn ghế học tập mới. Đây là điều mà gia đình đã mong muốn từ lâu, nhưng chưa làm được vì không có điện.
Đồng bào Trà Vinh phấn khởi vì đã có điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. |
Ông Thạch Sóc, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, cũng không giấu được niềm vui cho biết, khi được lắp đặt nhánh rẽ vào nhà, được lắp điện kế miễn phí, ông đã mua sắm máy bơm nước để tưới cho 2 công đất chuyên trồng rau màu của gia đình. Sử dụng điện tưới bằng máy bơm, ông không còn cực nhọc mỗi ngày gánh 50 - 60 gánh nước tưới cho cây trồng, tắm cho đàn heo 4 con, vệ sinh chuồng trại cũng không cần gánh từng gánh nước.
Điện về phum sóc không chỉ có người dân hân hoan mà các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh Trà Vinh cũng phấn khởi vì có điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú Huỳnh Văn Thảo cho biết, giai đoạn 2015 - 2020, huyện có kế hoạch chuyển đổi sản xuất 5.000 ha đất trồng lúa, đất vườn, đất giồng cát cao sang nuôi trồng những cây con có giá trị. Có nguồn điện được xem là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ, khuyến khích người dân ở vùng sâu giải phóng bớt sức lao động, sử dụng máy móc để sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đánh giá, dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh đưa vào vận hành đã nâng tổng số hộ dân có điện trên địa bàn tỉnh lên 264.227 hộ, đạt 98,48%; trong đó số hộ nông thôn có điện hơn 223.430, đạt 97,82%; riêng số hộ đồng bào Khmer có điện sử dụng đạt 97% (tăng 15,47% so với năm 2011). Bên cạnh đó, dự án còn là điều kiện quan trọng để tỉnh thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nhất là đối với chuyển đổi về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng vùng nông thôn mới.