Sau hơn ba năm được chọn xây dựng nông thôn mới điển hình của tỉnh, chính quyền và nhân dân xã Bình Lư (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đã đoàn kết vượt mọi khó khăn để đạt được 17/19 tiêu chí. Thành công ấy là động lực để con đường xây dựng nông thôn mới của xã tiến nhanh, tiến chắc về đích.
Dân tin, dân bàn, dân làm theo…
Ở bản Hưng Bình (xã Bình Lư), trời đang đổ mưa nhẹ, nhưng bà con vẫn đang hối hả làm đường thôn bản. Nghỉ tay, anh trưởng bản Nguyễn Thanh Tiến, 40 tuổi xởi lởi trò chuyện: Dân mình vui lắm. Từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, bà con được hưởng các khoản hỗ trợ để xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Dù vất vả, nhưng có lợi thì dân mình làm, ai mà chả thích…
Bình Lư đẩy nhanh công tác xây dựng giao thông nội đồng, phấn đấu đạt nông thôn mới trong năm 2014. |
Để thuận lòng dân như vậy không phải là việc dễ. Chính quyền xã phải nhiều lần tiến hành trưng cầu ý dân, lấy ý kiến từng bản, từng hộ gia đình lập kế hoạch chi tiết, làm sao tạo được niềm tin để bà con nghe và làm theo.
Chủ tịch UBND xã Phạm Minh Phương cho biết: Xã đã đạt 17/19 tiêu chí đề ra. Đầu năm 2011, nhận được kế hoạch của tỉnh chọn xã xây dựng mô hình nông thôn mới, BCH Đảng ủy họp và nhất trí quyết tâm triển khai chương trình này. Hội nghị liên tịch gồm bí thư, trưởng bản của các bản và đại diện đoàn thể trong xã được triệu tập nhanh để báo cáo kế hoạch và thành lập ban chỉ đạo. Sau đó, ban chỉ đạo cử cán bộ xuống từng bản triển khai họp dân thông qua Quyết định của Chính phủ và chủ trương của tỉnh, của huyện để mọi người được biết. Nghe xong, bà con đều hớn hở giơ tay đồng ý. Xã báo cáo tình hình với huyện và huyện cử cán bộ xuống giúp đỡ. Cán bộ trung tâm tư vấn cùng với cán bộ xã xuống các bản điều tra hiện trạng và thống nhất các hạng mục đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Khi kế hoạch và đề án xây dựng xong thì tiếp tục triệu tập Hội nghị liên tịch để mọi người đóng góp ý kiến.
Bình Lư có diện tích tự nhiên rộng 4.580 ha, dân số đông 4.896 người chia ra 17 bản gồm bốn dân tộc: Thái, Kinh, Lự và Giáy. Cơ cấu kinh tế của xã khá đầy đủ như: nông - lâm, chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy hải sản, xây dựng, dịch vụ. Hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Cây trồng đa dạng và cho thu nhập cao. Diện tích lúa một vụ là 100 ha, hai vụ là 192 ha, năng suất đạt 5 tấn/ha; cây công nghịêp dài ngày là cây chè có gần 140 ha cho thu hoạch mỗi năm trên 400 tấn chè búp, thu về gần 2 tỷ đồng và kéo theo nghề chế biến chè phát triển. Ở xã có một xưởng sản xuất chè và nhiều máy chè mini khác rải rác ở các bản; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại phát triển… Lâm nghiệp cũng phát triển, toàn xã có 2.416 ha đất lâm nghiệp, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng kinh tế, rừng phòng hộ để đảm bảo môi trường sinh thái. Đặc biệt, bên cạnh cây ngô, rau xanh, mía… thì cây dong riềng đã mang lại thu nhập cao cho người dân. Cả xã có khoảng 115ha trồng loại cây này, sản lượng 50 – 60 tấn củ/ha, ước tính tất cả đạt 6.000 tấn, với giá 1.800 đồng/kg thì mỗi năm thu về trên 10 tỷ đồng. Hiện có 6 bản đang trồng dong riềng, kể cả công chế biến thì mỗi gia đình hàng năm trừ chi phí cũng thu về 70 triệu đồng. Trên địa bàn xã đã có 3 hợp tác xã và 2 tổ máy tư nhân sản xuất miến dong tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 lao động có thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng. Với hương vị thơm ngon, miến dong riềng Bình Lư sẽ trở thành thương hiệu riêng của huyện Tam Đường và của tỉnh Lai Châu, được mọi người gần xa ưa thích.
Xã Bình Lư cũng cũng có ưu thế để phát triển nghề khai thác vật liệu xây dựng, mỗi năm đạt khoảng 5 tỷ đồng, giải quyết cho gần 200 lao động trên địa bàn thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng. Với những lợi thế đó, xã Bình Lư sẽ nhanh chóng đạt được các tiêu chí mà kế hoạch xây dựng chương trình nông thôn mới của Chính phủ đã đề ra.
Kết quả và mục tiêu tiếp theo
Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Xuân Huề cho biết: “Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, bà con đã đóng góp ngày công, Nhà nước đầu tư xi măng bê tông hóa đường thôn bản của các bản Pa Pe, Nà Hum, Nà Cà, Km2, Nà San, Nà Khan, Nà Phát với chiều dài hơn 8 km, ước tính ngày công dân đóng góp quy tiền là gần 3,5 tỷ; tu sửa đường dân sinh Tân Bình đi Nà Phát với 84 công; làm được 4,9 km đường nội đồng liên 6 bản với 8.180 công. Một số hộ đã tự nguyện hiến khoảng 10.525 m2 đất để làm đường”.
Thu nhập bình quân đầu người ở xã Bình Lư năm sau cao hơn năm trước là 1,3 lần (năm 2009 là 8 triệu đồng/người/ năm, năm 2010 là 10,5 triệu đồng, năm 2013 đạt 17,5 triệu đồng). Hiện tại, Bình Lư đã có 813/1.067 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, giảm 224 hộ nghèo so với năm 2011 là 326 hộ; 100% nhà kiên cố; 12/17 bản được công nhận bản văn hóa.
Hiện xã Bình Lư đang phấn đấu để đạt tiêu chí về giao thông, tiêu chí môi trường, trong đó tiêu chí về giao thông đã đạt khoảng 90%.
Bài và ảnh: Tiến Minh