Ngày 11/9, hơn 3.000 người Kuwait (Côoét) đã tiến hành biểu tình ngay trước trụ sở Quốc hội nước này đòi bầu ra một thủ tướng không thuộc gia tộc Al-Sabah đang cầm quyền và phản đối ý định của chính phủ sửa đổi luật bầu cử.
Cuộc biểu tình trên do nhóm Hồi giáo Nahj gồm các nhà hoạt động đối lập, độc lập và trẻ khởi xướng. Các biện pháp an ninh đã được thắt chặt tại quảng trường và các khu vực xung quanh.
Trong số người biểu tình có 21 nghị sĩ thuộc đa số đối lập trong nghị viện, được bầu hồi tháng Hai vừa qua nhưng bị giải tán sau khi Tòa án Hiến pháp tuyên bố cuộc bầu cử này vi phạm quy định pháp luật, và khôi phục quốc hội thân chính phủ trước đó.
Phát biểu trước đám đông biểu tình tại cái gọi là "Quảng trường Phán quyết", đối diện với trụ sở Quốc hội, nghị sỹ Hồi giáo nổi tiếng Walid al-Tabtabaie tuyên bố: "Người dân chúng tôi đã quyết định rằng Thủ tướng Jaber al-Mubarak sẽ là thủ tướng cuối cùng xuất thân từ gia tộc Al-Sabah".
Những người biểu tình muốn rằng Quốc vương có thể là người thuộc gia tộc Al-Sabah, song các chức vụ trong nội các sẽ là người xuất thân từ dân chúng. Họ cũng cho rằng cần có một đạo luật tổ chức công việc của gia tộc cầm quyền suốt 250 năm qua ở nước này.
Ngoài ra, những người biểu tình cũng phản đối việc Chính phủ Kuwait có ý định sửa đổi luật bầu cử. Trước đó, Chính phủ đã quyết định chuyển luật bầu cử hiện nay lên Tòa án Hiến pháp vì cho rằng văn bản này vi hiến. Động thái này sẽ giúp duy trì quốc hội thân chính phủ, đồng thời khẳng định lại một phán quyết của Tòa án Hiến pháp Kuwait ngày 20/6 rằng cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng Hai là vi hiến, khôi phục cơ quan lập pháp được bầu năm 2009, và tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng Hai nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng ở quốc gia xuất khẩu dầu lửa này, lực lượng đối lập người Hồi giáo đã giành chiến thắng áp đảo, được 34 trong tổng số 50 ghế nghị sỹ.
Phe đối lập của người Hồi giáo dòng Sunni giành được 23 ghế, tăng 14 ghế so với nhiệm kỳ trước. Phe của người Hồi giáo dòng Shiites thiểu số, chiếm 30% dân số Kuwait, giành được 7 ghế, ít hơn 2 ghế so với quốc hội khóa trước.
Kết quả này cũng cho thấy phe các nghị sĩ ủng hộ chính phủ bị mất nhiều ghế trong đợt bầu cử lần này và trở thành thiểu số trong quốc hội nhiệm kỳ mới.
Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp đã vô hiệu hóa kết quả này với lý do việc Quốc vương giải tán quốc hội hồi tháng 12/2011 sau cuộc biểu tình do tầng lớp thanh niên phát động, và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử vừa qua là vi hiến.
Tại Kuwait, từ năm 2006 đến nay, chính phủ đã từ chức 9 lần và quốc hội bị giải tán 5 lần.
TTXVN/ Tin Tức