Chỉ khoảng 100 người biểu tình nhưng chừng ấy cũng đủ để trung tâm thương mại Terminal 21 tại giao lộ Asoke ở thủ đô Bangkok rối loạn. Người biểu tình đã vây kín khu vực bên trong và bên ngoài trung tâm, giơ ba ngón tay thể hiện sự phản đối với cuộc đảo chính quân sự vừa qua ở Thái Lan.
Người biểu tình giơ ba ngón tay phản đối đảo chính. |
Theo lời kêu gọi của lãnh đạo nhóm “Chủ nhật màu đỏ” trên Facebook, người biểu tình thuộc nhiều phe phái khác nhau đã kéo đến trung tâm Terminal 21 từ trưa ngày 1/6, mang theo biểu ngữ phản đối biểu tình. Ba ngón tay mà người biểu tình giơ lên tượng trưng cho tự do, bình đẳng và tình anh em.
Cuộc biểu tình đã buộc ban quản lý Terminal 21 phải đóng cửa khu phức hợp và yêu cầu khách hàng ra ngoài. 20 phút sau, cảnh sát và binh sĩ đã đóng chốt các vị trí gần đó. Hai xe tải quân sự cũng xuất hiện trên con phố bên ngoài, tuy nhiên đã di chuyển ra chỗ khác sau khi bị đám đông la ó.
Một người biểu tình 66 tuổi cho biết: “Tôi ở đây vì tôi không muốn đảo chính. Tôi muốn bầu cử và dân chủ. Đây là thế kỷ 21. Đáng lẽ ra không nên có một cuộc đảo chính nào... vậy mà nó vẫn liên tục xảy ra”.
Cuộc biểu tình kéo dài đến 14 giờ cùng ngày và không xảy ra bạo lực. Dù vậy, cũng xảy ra đối đầu giữa người biểu tình và cảnh sát mặc thường phục. Khi hai cảnh sát tìm cách kéo một phụ nữ biểu tình vào trong xe taxi, đám đông đã bao vây chiếc xe. Sau vài phút bị phản đối, cảnh sát đã thả người biểu tình.
Ông Winthai Suwaree, Phó phát ngôn viên Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO), cho biết đang giám sát chặt chẽ tình hình các cuộc biểu tình chống đảo chính, đặc biệt là ở Terminal 21. Quân đội Thái Lan cảnh cáo sẽ bắt giữ người biểu tình chống lệnh cấm tụ tập nếu thuyết phục họ giải tán không có kết quả. Người vi phạm sẽ bị đưa đến tòa án quân sự để xét xử.
Chuẩn bị biện pháp kinh tế khẩn cấp
Vừa đối phó với các cuộc biểu tình chống đảo chính, quân đội Thái Lan vừa phải tìm cách vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh bởi chính trường trong thời gian qua. Trong cuộc họp với các quan chức bộ ngành liên quan đến kinh tế, Thống chế Không quân Prajin Junton, người phụ trách vấn đề kinh tế của chính quyền quân sự, đã đưa ra một loạt biện pháp kích thích kinh tế khẩn cấp như áp đặt mức giá trần nhiên liệu, bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ, bảo hiểm giá gạo cho nông dân…
Về hình thức bảo hiểm giá cho nông dân, ông Prajin cho biết hình thức này sẽ thay thế cho chương trình trợ giá gạo tốn kém dưới thời chính quyền của bà Yingluck Shinawatra. Khi ấy, do chính phủ không có nguồn kinh phí nên đã phải nợ tiền hàng trăm nghìn nông dân hàng tháng trời, khiến họ bất mãn và biểu tình rầm rộ.
Theo ông Prajin, 30 đề xuất kinh tế khẩn cấp sẽ được thảo luận với Tư lệnh Lục quân Prayut Chan-ocha trong ngày 3 và 4/6. Ngoài các biện pháp khẩn cấp ngắn hạn, các biện pháp dài hạn cũng được đưa ra như phát triển vùng kinh tế đặc biệt tại biên giới với Myanmar, Lào và Malaysia.
Kinh tế Thái Lan đã bị ảnh hưởng sau khi nước này chìm trong các cuộc biểu tình kéo dài. Lòng tin của các doanh nghiệp đã bị suy giảm, dự báo tăng trưởng kinh tế bị hạ, ngành du lịch “hốt bạc” bị ảnh hưởng nặng nề.
Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Puangketkaew ngày 2/6 gặp Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin để thông báo về lộ trình cho tương lai của Thái Lan sau cuộc đảo chính. Cuộc gặp với Myanmar – nước đang giữ chức chủ tịch ASEAN – nhằm cung cấp thông tin cho các thành viên ASEAN, để các nước hiểu hơn về tình hình mới nhất cũng như thông tin có liên quan về chính trường Thái Lan hiện nay. |
Thùy Dương