Giới chuyên gia ngày càng hoài nghi về khả năng của nhân loại trong việc tự cung cấp lương thực phẩm, trong bối cảnh hiện tượng biến đổi khí hậu đã tạo nên những đợt hạn hán và thời tiết khắc nghiệt trên đất liền, cũng như làm thay đổi các đại dương. Nói cách khác, nó đang làm thay đổi bàn ăn của nhân loại.Biến đổi khí hậu không chỉ tạo ra thời tiết khắc nghiệt khắp nơi trên thế giới. Ảnh Internet. |
Lượng khí thải ra từ việc đốt dầu mỏ, than đá và khí đốt khiến các đại dương nóng lên và tăng nồng độ axít. Theo một báo cáo mới đây, hiện tượng này làm giảm lượng hải sản đánh bắt được. Matthew Huelsenbeck, tác giả của báo cáo và cũng là một nhà khoa học về biển tại một tổ chức phi chính phủ về môi trường Oceana, cho biết hải sản là nguồn cung cấp protein chủ yếu cho hơn 1 tỷ người dân nghèo nhất trên thế giới.
Đối với nhiều quốc đảo, chẳng hạn như Maldives (Manđivơ), hải sản là nguồn cung chất đạm rẻ nhất và sẵn có nhất.
Maldives và Togo nằm đầu trong danh sách những nước có an ninh lương thực bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Một báo cáo mang tên "An ninh lương thực dựa vào đại dương bị đe dọa trong một thế giới có hàm lượng C02 cao" đưa ra sự phân loại về mức độ tổn thương của các nước trước hiện tượng biến đổi khí hậu, trong đó Iran đứng thứ tư.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, nhiệt độ ở đại đương tăng đã đẩy nhiều loại cá từ vùng nhiệt đới tới các khu vực lạnh hơn. Đồng thời, lượng khí thải C02 của loài người đã khiến độ axít của biển tăng 30%, đe dọa môi trường sống của cá. Nguồn đánh bắt suy giảm là nguyên nhân chính khiến giá hải sản tăng cao.
Một số nước Trung Đông như Iran, Kuwait (Côoét) hay Libya (Libi) đang phải hứng chịu những tổn thất nhất định do Vùng Vịnh rất dễ bị tổn thương khi khí hậu thay đổi - khiến hoạt động ngư nghiệp ước giảm 50%.
Trớ trêu thay đây lại là những nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt cho thị trường thế giới. Các nước nhiệt đới phụ thuộc vào hoạt động đánh bắt ở các dải san hô cũng nằm trong nhóm nước có an ninh lương thực bị đe dọa nhiều nhất. Nhà hải dương học Carol Turley thuộc Plymouth Marine Laboratory (Anh) nhận định việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên như rừng tảo bẹ (kelp forests), cỏ biển, đước sẽ giúp làm chậm lại tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu.
Trên mặt đất, hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu rõ rệt hơn nhiều (so với ở đại dương): Những đợt hạn hán ngày một tồi tệ, thời tiết khắc nghiệt và biển băng ở Bắc cực đang tan chảy với tốc độ kỷ lục.
Đợt hạn hán năm nay ở Mỹ và thời tiết không thuận tại nhiều khu vực đã đẩy giá thực phẩm tăng. Đặc biệt, giá ngô đã vọt lên mức cao nhất trong lịch sử. Giá thực phẩm của thế giới đã tăng gấp đôi trong thập niên qua, và dự kiến sẽ còn leo thang, làm dấy lên mối lo về khả năng xuất hiện các làn sóng bạo động xuất phát từ khủng hoảng lương thực.
Theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Save the Children, 24% các gia đình ở Ấn Độ đang trong cảnh thiếu thực phẩm, trong khi ở Nigeria con số này là 27% và ở Peru là 14.
Tim Gore, cố vấn chính sách liên quan đến thay đổi khí hậu, cho biết nhóm người nghèo nhất thế giới đã chi tới 75% thu nhập cho lương thực phẩm. Trong khi đó, theo một báo cáo của Oxfam, thời tiết khắc nghiệt có thể đẩy giá thực phẩm năm 2030 cao hơn 120-140% so với mức trung bình.
Hương Giang (Theo IPS)