Từ một thiếu niên nghèo, theo bố mẹ di cư hết nơi này đến nơi khác để tìm đất trồng trọt, mưu sinh, sau 6 năm (từ 2005 đến nay) liên tục thắng lợi các vụ thu hoạch dứa, chuối... anh thanh niên người Mông có cái tên Thào Thắng, sinh năm 1980 - người con của thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai), đã trở thành thủ lĩnh - Bí thư Chi đoàn thôn Cốc Phương. Năm 2009, Thào Thắng vinh dự được đại diện cho hàng chục ngàn thanh niên của tỉnh Lào Cai nhận giải thưởng “Nhà nông trẻ xuất sắc” do Trung ương Đoàn Thanh niên trao tặng.
Bí thư chi đoàn Thào Thắng chăm sóc ruộng dứa. Ảnh: Lục Văn Toán |
Với vai trò của một Bí thư chi đoàn, anh luôn nghĩ đến việc giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên trong thôn, bản lập nghiệp, làm giàu trên những quả đồi quê mình bằng kinh nghiệm bản thân trong việc chuyển đổi cây lúa, ngô một vụ kém hiệu quả sang trồng dứa, chuối, mía và dưa hấu, mức thu nhập 70 đến 300 triệu đồng hộ/năm, xóa hộ nghèo trong thôn. 100% hộ thanh niên trẻ của thôn đã có mức sống từ khá trở lên, toàn thôn anh phụ trách không có tệ nạn xã hội, không có người bỏ đi nơi khác kiếm sống, mặc dù Cốc Phương nằm sát biên giới với Trung Quốc.
Kể về hành trình lập thân, lâp nghiệp của mình, Thào Thắng tâm sự: Từ những ngày còn cắp sách đến trường, nhìn sang bên kia biên giới chỉ cách đất mình chưa đầy 5, 10 mét là bạt ngàn những nương dứa, vườn chuối của nông dân Trung Quốc xanh tươi, trĩu quả, Thào Thắng suy nghĩ: “Tại sao họ làm giàu được trên những quả đồi dốc mà ta lại không làm được?”. Câu hỏi đó luôn thôi thúc anh cố tìm loại cây trồng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ thói quen đốt rừng làm nương rẫy. Với bản tính dám nghĩ, dám làm, năm 1994, sau khi học hết chương trình trung học cơ sở, Thào Thắng xin bố mẹ và đồn biên phòng cho anh hàng ngày sang Trung Quốc làm thuê học nghề tại các nông trang trồng dứa và chuối. Sau một thời gian học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trồng dứa trên đất dốc, Thào Thắng dùng số tiền công làm thuê ít ỏi để đổi lấy con giống mang về thôn Cốc Phương trồng thử nghiệm. Kết quả là dứa và chuối lên xanh tốt, quả to, chín đều, chất lượng thơm ngon, bán được giá, thu nhập cao hơn hẳn so với trồng ngô, lúa trên nương.
Tạo được chút vốn ban đầu, Thào Thắng bàn với bố mẹ chuyển toàn bộ số diện tích nương rẫy sang trồng chuối, dứa. Liên tiếp những năm sau đó (từ 2006 đến nay) sản lượng dứa, chuối của gia đình anh ngày một tăng cao, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Tiếng lành đồn xa, nhiều đoàn viên và bà con các dân tộc xa gần đến học hỏi kinh nghiệm trồng dứa, chuối của anh và được anh phổ biến kinh nghiệm, chia sẻ vốn, kỹ thuật thoát nghèo. Đến nay toàn xã Bản Lầu có trên 300 ha dứa, chuối, riêng thôn Cốc Phương của anh chiếm trên 60% diện tích và sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 30 tấn quả. Riêng Thào Thắng hiện là chủ nhân của gần 20 ha dứa và chuối với mức thu hoạch trên 300 triệu đồng, mua được ô tô và nhiều vật dụng tiện nghi đắt tiền phục vụ cho sinh hoạt gia đình.
Anh Châu Xuân Thắng, Bí thư Đoàn xã Bản Lầu cho biết: “Chúng tôi đã phát động học tập, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế của Thào Thắng tới các đoàn viên, thanh niên trong xã và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình”. Từ chỗ vay vốn ngân hàng để trồng dứa, làm ăn có hiệu quả, năm 2009 Cốc Phương đã có 100% hộ có tiền gửi tiết kiệm lấy lãi.
Lục Văn Toán