Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cử tuyển 552 học sinh dân tộc thiểu số theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, với 17 ngành nghề đào tạo: Y khoa, sư phạm, kinh tế, tài chính...
Tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện chính sách cử tuyển đa dạng về thành phần dân tộc như Êđê, M’nông, Ja Rai, Mường, Tày, Vân Kiều, Dao, Khơ Me, Thái, Chứt, Sách, Xê Đăng, Cao Lan..., trong đó, học sinh cử tuyển đông nhất là dân tộc Êđê, M’nông, Ja Rai... nhằm phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Việc thực hiện chính sách cử tuyển ở Đắk Lắk đảm bảo sự công khai, dân chủ, minh bạch. Nhiều sinh viên hệ cử tuyển sau khi được tiếp nhận đã đáp ứng tốt yêu cầu công tác, trở thành cán bộ chủ chốt, giữ chức vụ lãnh đạo trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, qua giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho thấy, việc quản lý, tiếp nhận số sinh viên hệ cử tuyển sau khi ra trường còn quá ít, công tác tuyển sinh chưa gắn với công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng biên chế, nhu cầu đào tạo cán bộ... Cụ thể, đến nay, tỉnh mới chỉ tiếp nhận, bố trí công tác 44/552 sinh viên sau khi tốt nghiệp. Huyện Ea Kar, Ea H’Leo, mỗi địa phương cũng chỉ mới tiếp nhận, bố trí được 3 sinh viên hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương điều tra, rà soát sinh viên cử tuyển tốt nghiệp đã ra trường, số có việc làm, chưa có việc làm... từ đó có kế hoạch bố trí công tác, sử dụng nguồn nhân lực đã đào tạo một cách hợp lý.
Quang Huy