Báo động tình trạng tai nạn giao thông do thanh niên dân tộc thiểu số gây ra

Theo thống kê từ Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 134 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 99 người, bị thương 124 người.

Trong đó, hơn 50% vụ tai nạn do thanh thiếu niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số gây ra. Đây là hồi chuông báo động về sự thiếu hiểu biết luật giao thông trong đối tượng thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai.

Nâng cao ý thức của thanh thiếu niên khi tham gia giao thông

Nhóm lỗi thanh thiếu niên dân tộc thiểu số thường gặp là chưa đủ tuổi điều khiển các phương tiện giao thông, không có giấy phép lái xe; vi phạm các quy định về đội mũ bảo hiểm, tốc độ, nồng độ cồn; tụ tập dàn hàng ngang trên đường, rú ga gây mất trật tự công cộng. Nhiều vụ việc được ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên, cũng có nhiều vụ việc đã gây hậu quả nặng nề, để lại đau thương, mất mát cho người thân. 

Chú thích ảnh
Giao lưu, chia sẻ bài học kinh nghiệm tại chương trình tuyên truyền An toàn giao thông trong thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số năm 2020 với chủ để “Tai nạn giao thông - Nỗi đau còn đó”. 

Điển hình như vụ việc một xe gắn máy chở 3 thanh niên dân tộc thiểu số, không làm chủ được tốc độ, đi sai làn đường, đâm chính diện xe khách giường năm tại huyện Chư Sê, làm 3 nạn nhân tử vong tại chỗ vào ngày 29/1/2020. Cả 3 nạn nhân là học sinh mới 15-16 tuổi. Hoặc, 2 vụ tai nạn xảy ra liên tiếp vào ngày 4/5 và ngày 5/5 tại huyện Đức Cơ khiến 6 người tử vong. Hầu hết các nạn nhân đều đang là học sinh dân tộc thiểu số, có 3 nạn nhân mới 14 tuổi. 

Từ thực trạng trên, cuối tháng 5/2020, một số cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền luật an toàn giao thông đường bộ đến người dân, đặc biệt chú trọng các đối tượng thanh thiếu niên dân tộc thiểu số chậm tiến.

Cuối tháng 5/2020, Tỉnh đoàn Gia Lai phối hợp với huyện ủy Đức Cơ tổ chức chương trình “Tai nạn giao thông - nỗi đau còn đó” với sự tham gia của 100 thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số chậm tiến trên địa bàn huyện biên giới Đức Cơ. Chương trình đã gặt hái được những thành công bước đầu khi một số thanh thiếu niên đã cùng giao lưu, chia sẻ khó khăn, vướng mắc về việc không chấp hành luật giao thông. Sự buông lỏng quản lý, bỏ mặc của gia đình, xã hội là một phần đẩy các em vào những cuộc tụ tập ăn chơi, bất mãn, không chấp hành pháp luật. 

Nhằm phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số ngay tại thôn, làng, Ban tổ chức chương trình cũng ký cam kết tuyên truyền và thực hiện an toàn giao thông giữa đại diện thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tham gia chương trình, đại diện già làng, đoàn thanh niên, chính quyền địa phương nhằm góp phần nâng cao ý thức của thanh thiếu niên khi tham gia giao thông. 

Già làng Puih Hieng, làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, cho biết: Việc tuyên truyền hướng đến khuyến cáo cha mẹ không nuông chiều, mua các loại xe phân khối lớn cho con khi chưa đủ tuổi; khuyên bảo các em phải chấp hành luật giao thông. Nếu còn xảy ra vi phạm, ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật, làng sẽ có biện pháp để răn dạy thanh thiếu niên vi phạm. 

Hoặc như cách làm hay của lực lượng cảnh sát giao thông huyện Mang Yang là đến trực tiếp từng gia đình có thanh thiếu niên cá biệt động viên, tuyên truyền về luật giao thông đường bộ kết hợp cho các em xem hình ảnh, hậu quả của các vụ tai nạn nghiêm trọng do thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Với cách thức mưa dầm thấm lâu, thông qua hình ảnh trực quan sinh động, video trong điện thoại, tuyên truyền bằng cả hai thứ tiếng Kinh-Bahnar, Kinh-Jrai, góp phần chuyển biến được ý thức chấp hành giao thông của thanh thiếu niên chậm tiến vùng dân tộc thiểu số. 

Em Kưnh, sinh năm 2004, huyện Mang Yang, cho biết: Sau khi được công an huyện đến nhà tuyên truyền về luật giao thông, em và các bạn cũng đã hiểu thêm nhiều thông tin về lái xe an toàn để trang bị kiến thức giao thông cho mình. Từ nay, chúng em sẽ có ý thức hơn khi tham gia giao thông, không tụ tập đua xe hay chở quá số người quy định nữa.

Phát huy vai trò của các tổ chức, cán bộ Đoàn thanh niên

Tỉnh đoàn Gia Lai cũng như các tổ chức đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tổ chức nhiều chuyên đề phổ biến Luật Giao thông đường bộ, tập huấn kỹ năng lái xe an toàn, tặng hàng nghìn mũ bảo hiểm cho thanh thiếu niên. Điểm nhấn tại nhiều chương trình là các già làng, Đoàn Thanh niên, chính quyền các địa phương đã thể hiện sự quyết tâm chung tay giảm thiểu tỷ lệ thanh thiếu niên vi phạm giao thông bằng việc cùng nhau ký cam kết “Tuyên truyền, thực hiện an toàn giao thông”.

Từ đó, các lực lượng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, vận động bằng nhiều hình thức để không chỉ thanh-thiếu niên mà cả người dân cũng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã tổ chức ra quân kiểm tra đồng loạt các phương tiện tham gia giao thông, tăng cường xử lý các đối tượng vi phạm, đặc biệt là thanh thiếu niên để răn đe, khuyến cáo những thành phần không chấp hành luật giao thông đường bộ trên địa bàn. 

Chị Hà Thị Giang Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai cho biết: Thời gian tới, Tỉnh đoàn Gia Lai sẽ tiếp tục tăng cường các công tác tuyên truyền xuống tận các địa phương, đồng thời phát huy vai trò của bí thư đoàn xã, chi đoàn thôn làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến luật giao thông đến đội ngũ thanh thiếu niên vùng dân tộc thiểu số.  

Đảm bảo an toàn giao thông không riêng trách nhiệm của tổ chức nào, đó là ý thức của từng cá nhân khi tham gia giao thông. Cần có sự vào cuộc của toàn xã hội để chung tay đẩy lùi tình trạng vi phạm luật giao thông trong đối tượng thanh thiếu niên dân tộc thiểu số địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.

Bài và ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Cử tri hy vọng có thêm động lực mới cho vùng dân tộc thiểu số miền núi phát triển
Cử tri hy vọng có thêm động lực mới cho vùng dân tộc thiểu số miền núi phát triển

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 12/6, Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nội dung này được nhiều cử tri tại các địa phương trên cả nước quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN