Báo cáo nghiên cứu tiêu dùng sừng tê giác tại Việt Nam: CITES Việt Nam phản ứng với báo cáo của TRAFFIC/WWF

Một số thông tin chưa chính xác, nhận định thiếu khách quan, phương pháp thực hiện không toàn diện, thông tin công bố không rõ ràng... Đây là những phản ứng của CITES Việt Nam (cơ quan thực thi công ước về  buôn bán quốc tế các loài động vật thực vật hoang dã) về Báo cáo về Nghiên cứu tiêu dùng đối với sừng tê giác tại Việt Nam do tổ chức TRAFFIC ( mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán thực vật, động vật hoang dã) phối hợp với Ipsos Marketing thực hiện.

Cuối tháng 9/2013, tổ chức TRAFFIC/WWF đã công bố Báo cáo về nghiên cứu tiêu dùng đối với sừng tê giác tại Việt Nam do TRAFFIC phối hợp với Ipsos Marketing thực hiện, kèm theo bản giới thiệu tóm tắt với tiêu đề “Người tiêu dùng tê giác, họ là ai?”.


“Từ khi có báo cáo này, Việt Nam bị coi là “điểm đen chính” trong sử dụng sừng tê giác. Truyền thông thế giới quy kết: Việt Nam là quốc gia chính gây nên tình trạng săn bắn tê giác tại Nam Phi. Điều này gây ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc gia”, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho biết tại buổi họp báo ngày 11/10 tại Hà Nội. Ông vừa tham gia chuyến công tác tại Nam Phi. Ở đó, ông cho biết: “Sứ quán Việt Nam tại Nam Phi cũng bị sức ép lớn, nhận hàng cặp táp móng tay và tóc của người bản xứ”.


“Nhận định thiếu khách quan”


CITES Việt Nam đã chỉ ra 10 điểm thiếu khách quan trong các nhận định của TRAFFIC, chủ yếu là những khẳng định: Nhu cầu mua sừng tê giác như là hàng hóa xa xỉ của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, bao gồm doanh nhân, người nổi tiếng, quan chức chính phủ được xác định là nguyên nhân chính gây nên cuộc khủng hoảng săn bắn trộm tê giác. Tình trạng sử dụng sừng tê giác như là một biểu tượng của người Việt khá giả ở đô thị là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác. Người mua và người dùng chủ yếu để khẳng định vị trí, làm quà biếu người thân, bạn hàng hoặc người có vị trí ở cơ quan nhà nước. Người sử dụng sừng là người giàu có quyền lực và có ảnh hưởng tới xã hội Việt Nam.


“Trước đây, TRAFFIC có nghiên cứu cho rằng nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam là làm thuốc - nay lại khẳng định là “biểu tượng khá giả”. Cá nhân tôi không thấy oai gì, nếu có sử dụng sừng tê giác”- ông Tùng nói. Tôi là quan chức chính phủ cấp trung, cũng như nhiều cán bộ khác, chưa có ai biếu sừng tê giác. “Báo cáo như vậy là chưa đầy đủ về quan niệm của người Việt Nam về sử dụng sừng tê”!


Đặc biệt, báo cáo dẫn tới hiểu lầm: 5% số dân Việt Nam sử dụng sừng tê giác và có tới 16% người được hỏi có ý định sử dụng, như vậy sắp tới số người sử dụng sẽ tăng lên 4 lần. Trong thực tế, số người phỏng vấn sâu rất ít (chỉ khoảng 40 người) nhưng công bố thông tin không rõ ràng khiến hiểu nhầm 5% của 90 triệu dân Việt Nam, tức 4 triệu người đã sử dụng sừng tê giác!.


Bản báo cáo đưa ra trường hợp “Mr. L” – một người giàu có, chỉ quan tâm tới địa vị xã hội, muốn được mọi người nhìn nhận là lãnh tụ, do vậy ông ta tin rằng sừng tê là biểu tượng cho sự giàu có, quyền lực và địa vị xã hội và thành quả lao động, đồng thời cho rằng sừng tê giác làm “Mr. L” yên tâm và hạnh phúc. “Tôi công nhận trên thực tế có tình trạng sử dụng sừng tê giác, nhưng “Mr. L” không phải điển hình cho tình trạng và tâm lý người Việt Nam. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh đất nước và con người Việt Nam” - đại diện CITES Việt Nam khẳng định.


Phương pháp chưa thuyết phục


Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá về nhận thức, cách sử dụng và thái độ của người Việt Nam nói chung về sừng tê giác, nhưng số lượng mẫu phỏng vấn chỉ trong nhóm người nhỏ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; sau đó chọn ra 109 người đã mua và sử dụng sừng tê giác để làm bảng hỏi, chỉ có 600 người là phỏng vấn ngẫu nhiên. “Như vậy nghiên cứu này không thể đại diện cho người Việt Nam nói chung, cũng không phản ánh đúng và khách quan về số người sử dụng sừng tê trên tổng dân số vì trước khi phỏng vấn đã lựa chọn ra tới 20% người đã sử dụng hoặc mua sừng tê” - ông Tùng nhận xét


Bảng hỏi được thiết kế gần 30 trang, thiếu căn cứ khoa học và chủ yếu tập trung vào các câu hỏi xoay quanh việc sử dụng, mua bán sừng tê, không xét đến khía cạnh tâm lý của người Việt Nam để đánh giá chính xác được đối tượng. Do vậy, kết quả đưa ra không phản ảnh được chính xác nhận thức và thái độ thực của người được hỏi mà ra kết quả chủ quan của người hỏi - CITES Việt nam nhận xét.


Thêm vào đó, nghiên cứu mang tính xã hội, nhưng lại được thực hiện bởi một tổ chức Ipsos Marketing chuyên về xác định maketing, thị trường và kinh doanh thực hiện. TOR của nghiên cứu được xây dựng theo ý kiến chủ quan của WWF/TRAFFIC, không có sự tham gia hoặc góp ý của các bên có liên quan, đặc biệt thiếu sự tham vấn của cơ quan nhà nước quản lý về lĩnh vực này.

“Các bài báo quốc tế đưa tin sai so với báo cáo” Sự thực là có một số bài báo của các nhà báo quốc tế đã đưa thông tin sai với báo cáo của chúng tôi. Trong báo cáo chúng tôi chưa bao giờ nói là đại diện toàn dân số Việt Nam. Báo cáo được thực hiện bởi một công ty điều tra xã hội nổi tiếng thế giới, có văn phòng tại Việt Nam, do nhân viên người Việt Nam thực hiện. Chúng tôi chủ yếu tâp trung hỏi để biết lý do người ta sử dụng sừng tê giác để làm gì. Từ chỗ xác định được nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tìm cách giải quyết vấn đề. Chúng tôi chỉ hướng về lý do tiêu dùng, nhưng có thể các báo nước ngoài lại chọn khai thác thông tin gây chú ý. Một số trường hợp báo quốc tế đưa sai thông tin so với thông tin chúng tôi cung cấp, ví dụ thay vì nói số % người khảo sát thì lại nói là % của dân số Việt Nam. Mỗi khi có trường hợp sai thì chúng tôi liên lạc với từng nhà báo, yêu cầu họ sửa thông tin. Trong số những người đã liên lạc thì có những người sẵn sàng tiếp tục vấn đề này và bàn bạc để sửa. Có 3 phóng viên đã nhận lỗi của mình và hứa sẽ sửa thông tin này. Chúng tôi đã hứa với CITES là tiếp tục theo sát vấn đề này, nếu còn xảy ra sai sót ở báo nào thì chúng tôi tiếp tục liên lạc để sửa. (Bà Naomi Doak- Trưởng đại diện TRAFFIC Đông Nam Á- Chương trình tiểu vùng Mekong mở rộng)


Thùy Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN