Thời gian gần đây, việc học sử dụng bàn tính gảy cổ truyền đang là trào lưu phát triển rộng rãi tại Nhật Bản, thu hút cả người cao tuổi và trẻ em. Điều đáng nói là ngày nay soroban - tên gọi của bàn tính gảy Nhật Bản - không đơn thuần chỉ có tác dụng tính toán.
Các em nhỏ trong một cuộc thi sử dụng soroban. |
Soroban được đánh giá là công cụ hữu hiệu hỗ trợ phát triển khả năng tư duy của trẻ em và ngăn chặn chứng mất trí ở người cao tuổi.
Kazuo Kayama, một giáo viên dạy bàn tính gảy nói: “Khi sử dụng soroban, trẻ em phải vận dụng linh hoạt cả mắt, tai và đầu ngón tay trong cùng thời điểm. Do vậy, soroban giúp trẻ em cải thiện không chỉ khả năng tính toán mà còn cả khả năng tập trung và ghi nhớ”.
Nhờ soroban, học sinh có thể chuyển đổi các số liệu hoặc tiền tệ hoặc giải các bài tính đố về tốc độ, thời gian và khoảng cách… Một tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi I.M. Soroban luôn đi đầu trong việc khuyến khích học sinh sử dụng soroban thậm chí đã tổ chức một kỳ thi có chứng chỉ đã được thông qua bởi 11 trường dạy soroban trên khắp Nhật Bản.
Hiroya Araki, người đứng đầu I.M. Soraban nhận định: “Các bài học Soroban đơn thuần được thiết kế để cải thiện khả năng tính toán và có một thời ngày càng ít được sử dụng bởi sự phát triển rộng rãi của các loại máy tính. Tuy nhiên Soroban đã quay trở lại thành xu hướng chủ đạo của giáo dục để khuyến khích trẻ em tự tư duy và tự tìm ra giải pháp cho các vấn đề”.
Tại một lớp dạy sử dụng soroban ở khu Nerima, thủ đô Tokyo, các học sinh trường tiểu học đang luyện tập vận dụng một kỹ thuật tính độc đáo và mới mẻ có tên “anzan” dựa vào soroban. Theo đó, học sinh được dạy để hình dung ra một chiếc soroban và tự tưởng tượng ra việc tính toán khi có các con số hiện lên trên màn hình máy tính”.
Bên cạnh trường dành cho trẻ em, soroban cũng xuất hiện trong chương trình của Otona no Gakkou hay còn gọi là trường dành cho người trưởng thành. Trường cung cấp các khóa học chuyên biệt dành cho người cao tuổi như số học, tiếng Nhật, soroban cũng như nhiều lớp học khác để giúp người cao tuổi hạn chế nguy cơ mắc phải các chứng bệnh mất trí nhớ.
Bà Sachico Suzuki, 88 tuổi, đã không sử dụng soroban dễ có đến 80 năm. Giờ đây bà lại đến học dùng bàn tính gảy tại trường Minato, Tokyo đều đặn 3lần/tuần. Bà vui vẻ bộc bạch: “Các ngón tay của tôi di chuyển một cách thật tự nhiên”.
Tomoe Fujimoto, chủ tịch công ty sản xuất soroban có tên Tomoe Soroban cho biết: “Hầu hết người cao tuổi đã từng hoặc thậm chí thường xuyên sử dụng soroban trong quá khứ, vì vậy họ chấp nhận nó rất dễ dàng”.
Soroban được coi là chiếc máy tính đầu tiên tại Nhật Bản, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nền giáo dục và cả văn hóa của “Đất nước Mặt trời mọc”. Nó du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản trong những năm 1600 của thời đại Edo.
Và các tín hiệu lạc quan đã xuất hiện. Theo liên đoàn bàn tính gảy Nhật Bản, số người đăng ký cho kỳ kiểm tra chứng chỉ soroban quốc gia đã tăng khá trong những năm gần đây với hơn 210.000 người tham gia kiểm tra trong năm 2011.
Nhưng con số đó cũng chỉ bằng 10% so với thời kỳ đỉnh điểm của đầu những năm 80. Một lý giải được đưa ra là hiện nay người ta lại chú ý nhiều hơn đến soroban bởi vì sự hữu dụng của nó trong cuộc sống, hơn là học để lấy bằng cấp.
Soroban thường được làm bằng gỗ, có khung kích thước 33 x 6 cm. Soroban thường số lượng các trục luôn là số lẻ. Mỗi trục có 5 hạt, 1 hạt phía trên và 4 hạt phía dưới. Việc tính toán trên soroban dựa theo hệ thập phân. |
Hà Linh (Theo KYODO)