Những ngày đầu tháng 6, tiết trời dịu nhẹ, chúng tôi trở lại xã Điềm Mặc (Định Hóa - Thái Nguyên) trong cảm hứng trở về nguồn cội cách mạng. Theo biển chỉ dẫn ven đường nhựa, phía sau những nương chè xanh ngát, bản Roòng Khoa hiện ra trước mắt chúng tôi bình dị, ấm áp. Nơi đây, trong những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Pháp là nơi gieo mầm và đóng trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam.
Cách đường nhựa lối lên ATK khoảng 1 cây số, con đường làng nhỏ dẫn chúng tôi vào bản định cư của đồng bào Tày Roòng Khoa. Quang cảnh xóm làng dường như không thể bình dị và thanh bình hơn được nữa bởi chon von bên suối là những căn nhà sàn từ bao đời nay vẫn ấm cúng trong mỗi gia đình cư dân Tày, con suối Đình uốn lượn quanh đồng lúa bát ngát đang trĩu nặng bông. Thấp thoáng đâu đó trên sườn đồi là tán lá cọ đứng tự bao giờ trên triền đất Việt Bắc này. Cảnh sắc Roòng Khoa đậm chất văn hóa Tày hòa với tiếng ve râm ran và tiếng mõ trâu bên rừng chiều làm chúng tôi như hòa mình vào không khí của Việt Bắc những buổi ngày xưa.
Nhà Tưởng niệm Bác Hồ ở Định Hóa. |
Chỉ khác xưa, có lẽ con đường vào bản đã được trải bê tông kiên cố và khang trang, vừa là con đường dân sinh, vừa là con đường dẫn lối vào một di tích đặc biệt quan trọng trong quần thể khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt của ATK Định Hóa.
Bình yên cuộc sống ở Roòng Khoa. |
Nơi đây, 65 năm trước, Điềm Mặc là nơi che chở cho các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với những người làm báo cách mạng Việt Nam, mảnh đất Roòng Khoa còn có một ý nghĩa đặc biệt, là nơi ra đời Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Biển chỉ dẫn vào Khu Di tích Hội Nhà báo Việt Nam. |
Lần theo sử sách ghi chép lại, lần theo văn bia và di tích ở bản Roòng Khoa cùng với những câu chuyện kể của những chứng nhân lịch sử nơi đây, những năm tháng ở ATK, với sứ mệnh cao cả lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc kháng chiến chống Pháp, mặc dù phải đối mặt với biết bao gian khổ, hiểm nguy nhưng Bác vẫn liên tục viết bài cho các tờ báo của Đảng, của cách mạng. Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951, báo “Sự thật” ngừng xuất bản, Bác đã chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân - cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Cũng từ mảnh đất chiến khu ATK này, ngày 11/3/1951, Báo Nhân Dân đã ra số đầu tiên.
Những tờ báo cách mạng đầu tiên ở ATK. |
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, báo chí cách mạng được Đảng và Bác Hồ trao cho sứ mệnh là người tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với quan điểm xuyên suốt: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây cũng là mục tiêu, là tiêu chí quy định chức năng, nhiệm vụ; đồng thời cũng là môi trường phát triển của báo chí nước nhà.
Trong kháng chiến, giữa núi rừng ATK Việt Bắc, sau Cách mạng Tháng Tám Bác Hồ đã cho mở những lớp học báo chí. Lớp báo chí đầu tiên được tổ chức tại Trường Huỳnh Thúc Kháng, đóng ở xã Quy Kỳ - Định Hóa. Trong thời gian chuẩn bị bước vào chiến dịch Biên giới - Thu Đông 1949/1950 đầy cam go ác liệt nhưng trong thư gửi các học viên của lớp báo chí đầu tiên này, Người đã khuyên các nhà báo một cách ân cần và thân mật, có thể coi đó là kim chỉ nam cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam:
"Muốn viết báo khá, thì cần:
1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.
2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta.
3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu.
4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ:…”.
Ngoài ra, ngay từ khu ATK xa xôi hàng ngàn cây số, ngày 25/5/1947, Bác Hồ đã tận tình gửi thư cho trí thức, nhà báo ở Nam bộ để động viên tinh thần yêu nước, chống ngoại bang. Người viết: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà; mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc"…
Cũng từ chiến khu Việt Bắc, ngày 21/4/1950, theo chủ trương của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội Nhà báo Việt Nam đã được thành lập. Ban đầu, Hội có tên là “Hội Những người viết báo Việt Nam”. Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam đã diễn ra tại nhà ông Triệu Đình Âu, bản Roòng Khoa, xã Điềm Mặc.
Có thể nói, Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam đã như một xuất phát điểm để nền Báo chí Cách mạng Việt Nam ngày một phát triển. Từ vài chục cơ quan báo chí trong những ngày đầu giành chính quyền, cho đến nay cả nước đã có tới hơn 700 tờ báo in, gần 100 đài phát thanh, truyền hình thuộc Trung ương và địa phương, cùng hơn 17.000 Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Những người làm báo cách mạng Việt Nam không bao giờ quên cội rễ nơi sinh thành. Hằng năm, vào ngày thành lập, đông đảo báo giới trong cả nước lại hành hương thăm lại nơi ra đời ngôi nhà chung của báo giới Việt Nam.
Tấm bia di tích lịch sử cấp quốc gia đặt tại bản Roòng Khoa, xã Điềm Mặc như một dấu tích không thể mờ phai về một giai đoạn lịch sử vẻ vang của ATK nói chung và ngành báo chí nói riêng. Đó đồng thời cũng là một dấu son đầy tự hào của những người làm báo Việt Nam, bởi họ đã có một nhà báo vĩ đại, một người thầy của Báo chí Cách mạng - Chủ tịch Hồ Chí Minh! Công trình Nhà trưng bày di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam được xây dựng nằm trong quần thể các di tích lịch sử cách mạng được Đảng, Chính phủ xác định “là quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX”.
Từ Roòng Khoa, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi gần như quan sát được toàn cảnh làng bản của Điềm Mặc. Thấp thoáng sau những lùm cây xanh là những căn nhà sàn bình yên. Theo người già nơi đây, từ bao đời nay, căn nhà sàn vẫn được đồng bào Tày giữ gìn như một “báu vật” của bản Tày. Vẫn còn đó những nét nguyên sơ mà độc đáo trong kiến trúc nhà sàn. Bóng chiều đổ xuống làm rực vàng cánh đồng trước bản Roòng Khoa. Giống lúa Bao Thai được đồng bào Tày cấy trồng trên ruộng nước như một đặc sản chỉ có ở vùng núi này. Cuộc sống ở Roòng Khoa hôm nay đã đổi thay trông thấy. Con đường làng rộng mở, trường học, trạm y tế và các dịch vụ khác đến gần người dân hơn. Gặp đồng bào Tày, ai ai cũng một vẻ mặt tươi cười, chất phác và mến khách. Những câu chào mời bằng tiếng phổ thông có pha âm vị tiếng Tày càng làm cho chúng tôi thấy ấm lòng trước cảnh và người nơi đây.
Ấm no, hạnh phúc và bình yên như trải khắp những bản Tày nơi đây. Đó là một tín hiệu vui, thỏa lòng mong ước năm xưa của Bác kính yêu.
Chia tay Roòng Khoa, trong lòng chúng tôi dâng lên niềm tự hào lãnh tụ, tự hào về một Việt Bắc, một địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ hướng về nuôi dưỡng ý chí và nghị lực. 65 năm đã qua, Báo chí Việt Nam phát triển không ngừng, biết bao tờ báo được in ấn và xuất bản. Song, nguồn cội “Roòng Khoa” như dòng suối Đình chảy mãi không ngừng nghỉ luôn nâng bước chân những người làm báo hôm nay và mai sau.
Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng