Đồng bào các dân tộc ở các khối 6, 7, 11, buôn Ky, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang sinh sống trong bầu không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, đâu đâu cũng bốc mùi hôi thối nồng nặc, nhà nhà đóng cửa, người người mang khẩu trang.
Thậm chí, hàng chục hộ gia đình không thể chịu đựng mùi hôi thối đành chấp nhận bán nhà với giá rẻ để đi nơi khác sinh sống tránh ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân gây mô nhiễm môi trường là do hồ xử lý nước của cả thành phố Buôn Ma Thuột do Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Đô thị và Môi trường tỉnh Đắk Lắk quản lý gây nên.
Hàng chục hộ dân ở khối 6, phường Thành Nhất đã bán nhà để chạy ô nhiễm. Ảnh: Dân Việt |
Đây là hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ hồ sinh học tự nhiên, sử dụng màng cứng hữu cơ tự hình thành trên mặt hồ để ngăn mùi hôi thối phát tán. Tuy nhiên, trên thực tế màng cứng hữu cơ này luôn biến động, dịch chuyển ít khi phủ kín được mặt hồ nên gây ô nhiễm cho môi trường.
Gia đình anh Nguyễn Văn Lợi, ở khối 7 cho biết, trong hai năm nay, gia đình đóng cửa bịt bùng, nhưng mùi hôi thối vẫn xộc vào nhà, không ai chịu nổi, nhất là vào những ngày nắng gắt. Mong các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương sớm có biện pháp xử lý để trả lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng...
Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Đô thị và Môi trường tỉnh đã hợp đồng với Trường Đại học Tây Nguyên xử lý mùi hôi thối bằng chế phẩm men vi sinh và các chất khử mùi khác để giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có kế hoạch quy hoạch vùng đệm để cách ly nhà máy xử lý nước thải với các khu dân cư.
Thế nhưng, theo đồng bào các dân tộc nơi đây thì đó cũng chỉ mới là kế hoạch, còn trước mắt chưa biết khi nào môi trường sống khu vực này mới có sự trong lành.