Phiên thảo luận về dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sáng 26/11 trở nên khá sôi động khi các vấn đề mới được đưa vào dự thảo luật lần này như: ly thân, mang thai hộ, hôn nhân đồng giới, áp dụng tập quán, độ tuổi kết hôn… đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, với những lập luận khác nhau.
Đưa vào luật có giảm được ly hôn?
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng tình với phân tích của Ủy ban Các vấn đề xã hội trong việc bổ sung chế định ly thân với điều kiện chế định ly thân theo luật không ảnh hưởng đến ly thân thực tế mà làm tăng thêm sự cân nhắc lựa chọn do vợ, chồng quyết định, không phải là bước để tiến tới ly hôn. Ly thân trong luật phải hướng đến mục tiêu tạo cơ hội để hàn gắn quan hệ vợ chồng. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cùng quan điểm cho rằng, bổ sung chế định ly thân là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của một số gia đình hiện nay. Các cặp vợ chồng sẽ có thêm cơ hội lựa chọn cho tình trạng hôn nhân để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Đồng thời giúp bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình, ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu cuộc sống chung vẫn tiếp diễn. Các ý kiến đồng tình cũng cho rằng các quy định cần tính toán kỹ để đảm bảo tính khả thi và mục đích hàn gắn các gia đình.
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), Khúc Thị Duyền (Thái Bình) và một số đại biểu khác lại đề nghị không nên đưa chế định ly thân vào luật. Các đại biểu cho rằng ly thân là một hiện tượng đã và đang tồn tại nhưng chủ yếu mang tính thỏa thuận riêng tư của hai vợ chồng khi quan hệ hôn nhân có vấn đề. Phần lớn theo đặc điểm văn hóa của người Việt Nam đều không muốn công khai tình trạng này. Trong khi dự thảo luật quy định quy trình thủ tục không khác thủ tục ly hôn. Ly thân cũng không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng nên chế định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ tình cảm của một trong hai bên, đặc biệt là tác động rất sâu sắc mọi mặt đến con trẻ. Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nhận xét, thực tế ly thân là giai đoạn dự bị của ly hôn, tiến thoái lưỡng nan, nên càng quy định thì họ càng ly hôn nhiều.
Khó xác định đẻ hộ hay đẻ thuê
Quy định về việc mang thai hộ cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Các ý kiến ủng hộ cho rằng, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Về bản chất, mang thai hộ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thực tế thời gian qua, một số cặp vợ, chồng mong muốn được có con đã nhờ đến biện pháp này với những hình thức khác mà Nhà nước không quản lý được. Vì vậy, việc đưa nội dung mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) lần này là cần thiết, để tránh những hậu quả phức tạp xảy ra mà không có pháp luật điều chỉnh, nhất là việc đảm bảo số phận pháp lý của những đứa trẻ sinh ra.
Nhưng nhiều đại biểu lại cho rằng, ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại rất khó xác định, hậu quả pháp lý rất phức tạp trong trường hợp mang thai hộ với nhiều tình huống phát sinh. Một số đại biểu nhấn mạnh đến yếu tố “mang nặng, đẻ đau”, tình mẫu tử thiêng liêng của người mang thai trong 9 tháng 10 ngày. Đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang) còn cho rằng, không loại trừ một số chị em phụ nữ trẻ muốn giữ vóc dáng, vẻ đẹp bền lâu nên không muốn sinh con và cho con bú, từ đó dẫn đến nhu cầu cần người mang thai hộ. Đại biểu còn “cảnh giác” nêu: “Có thể người chồng lấy lý do thăm người mang thai hộ thường xuyên và từ đó lại nảy sinh tình cảm "mía ngọt đánh cả cụm", vợ lớn, vợ bé càng rắc rối”.
Ngoài ra, các đại biểu cũng dẫn chứng số nước đồng ý cho mang thai hộ nhiều nhưng số nước cấm cũng không ít, ví dụ 20/28 nước EU cấm không cho mang thai hộ, chỉ có 3/28 nước đồng ý.
Vai trò trụ cột gia đình
Về độ tuổi kết hôn, nhiều đại biểu nhất trí với dự thảo quy định độ tuổi kết hôn của nam giống như nữ là từ đủ 18 tuổi. Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cho rằng, việc hạ tuổi nam giới được kết hôn giống như nữ là để đảm bảo tính thống nhất với các đạo luật khác và phù hợp với cam kết quốc tế về bình đẳng giới. Thực tiễn đời sống xã hội hiện nay cũng cho thấy thể chất, tâm sinh lý của lứa tuổi thanh niên đã được phát triển toàn diện, trưởng thành sớm và tốt hơn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng độ tuổi kết hôn của nam là 20 và nữ là 18 đã thực hiện ổn định từ hơn 50 năm nay, phù hợp với truyền thống, văn hóa của người Việt Nam. Thực tế hiện nay cho thấy tuổi kết hôn của nam và nữ đều tăng cao hơn so với trước đây, số người kết hôn trước 25 tuổi kể cả nam và nữ đang ngày một giảm, điều đó cho thấy thanh niên ngày nay đã có nhận thức về cuộc sống gia đình khác với trước, họ không muốn kết hôn sớm vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập, nghề nghiệp và tương lai. Vì vậy, nếu hạ độ tuổi kết hôn của nam giới xuống 18 tuổi vô hình chung là khuyến khích họ kết hôn sớm. Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) dẫn chứng thêm, ở Trung Quốc quy định độ tuổi hết hôn của nam là 22, của nữ là 20. Nhiều đại biểu khác cũng khẳng định vai trò trụ cột trong gia đình của người chồng, đảm bảo kinh tế để cấp dưỡng cho vợ con và có khi cả cha mẹ thì một thanh niên mới 18 tuổi, mới học xong phổ thông trung học, hầu như chưa có việc làm khó thực hiện được.
“Luật cần khẳng định quyền được tự do lựa chọn họ cho con theo họ cha hoặc họ mẹ; khuyến khích các cặp vợ chồng khi sinh con muốn lấy theo họ mẹ cương quyết hơn trong việc chuyển họ cho con, góp phần giảm tình trạng mất cân bằng giới tính”. Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) |
Ngọc Tú