“Keo chết nhiều lắm, những cây trồng một hai năm tuổi cũng chết”. Ông Hoàng Sùn Chiêu, Trưởng thôn Khuổi Luông, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) cho chúng tôi biết.
Để mục sở thị, chúng tôi lên đỉnh Khuổi Phoong cùng trưởng thôn Chiêu, Bí thư Đảng ủy xã Lục Tiến Trung và cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp huyện. Tại các vạt rừng trên đỉnh này, toàn thôn Khuổi Luông trồng khoảng 67 ha thì có đến 45 ha cây keo tai tượng đều chết. Nhiều cây cao hơn đầu người, được người dân tự trồng từ năm 2009 cũng chết. Nhà trưởng thôn Hoàng Sùn Chiêu trồng được 8 ha rừng keo tai tượng, thì 4 ha trồng ở trên vạt núi cao chết hết, 4 ha trồng ở vạt núi thấp chết ít hơn, chỉ khoảng 20-30%.
Trưởng thôn Chiêu cho biết: “Khi mới trồng thích lắm, cây này dễ sống, lớn nhanh. Những vạt rừng ở trên càng cao cây càng nhanh lớn. Thế mà bây giờ cây bị chết, tiếc lắm. Nhà mình năm ngoái đã phải thuê nhân công trồng rừng hết 25 triệu đồng. Nay cây chết hết thế này thì trắng tay. Năm nay, dân cũng đăng ký trồng keo, nhưng thấy cây chết nhiều nên nản. Mọi người đang muốn chuyển sang trồng cây keo mỡ”.
Theo cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp huyện Pác Nặm Nguyễn Duy Thiệp, kết luận ban đầu, cây chết do rét đậm rét hại, một phần do mối đục và một phần nhỏ do côn trùng cắn rễ.
Ông Hà Việt Phương, Chủ tịch UBND xã Bằng Thành cho biết: Năm 2010, toàn xã trồng được 223 ha rừng keo tai tượng. Năm 2011, dự kiến trồng 500 ha cũng là keo tai tượng. Nếu không sớm có biện pháp, để cây chết tiếp, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, cũng như sự phát triển kinh tế của xã.
Nguyễn Trình