Bất đồng trong khu vực cộng với việc thiếu vắng các kênh tiếp xúc giữa Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) Lakhdar Brahimi với các bên xung đột ở Syria đang gây trở ngại cho việc xác định thời gian tổ chức cũng như chương trình nghị sự của Hội nghị Geneva II, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 11 tới.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry (phải) và Đặc phái viên Brahimi ngày 14/10 đã nhất trí cần tổ chức càng sớm càng tốt hội nghị quốc tế về Syria. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo các nguồn tin ngoại giao phương Tây, trong những ngày qua đã diễn ra hàng loạt cuộc gặp giữa 11 nước thuộc nhóm "Những người bạn của Syria" nhằm tìm ra tiếng nói chung về các quan điểm bất đồng liên quan đến hội nghị hòa bình quốc tế này. Ngoài ra, đang xuất hiện các ý kiến đề xuất hoãn hội nghị trong một vài tháng cho tới khi hội đủ các điều kiện cần thiết. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đề nghị LHQ tổ chức hội nghị trước thời điểm đã được ấn định. Tương tự, ông Lakhdar Brahimi cũng tuyên bố rằng việc tổ chức hội nghị theo đúng kế hoạch đã định là không chắc chắn.
Hiện có ba trở ngại đối với Hội nghị Geneva II.
Trở ngại thứ nhất là lập trường khác biệt giữa các nước trong khu vực và quốc tế về thỏa thuận Nga - Mỹ về giải giáp vũ khí hóa học ở Syria mà lộ trình dự kiến là kết thúc vào năm 2014, cùng lúc với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Bashar al-Assad. Các nguồn tin trên tiết lộ rằng một số quốc gia phương Tây nghiêng về lập trường của Nga hơn so với các nước trong khu vực vốn là đồng minh thân cận của Mỹ từ 2 năm qua.
Các nước trong khu vực vẫn khăng khăng đòi "thay đổi cán cân quyền lực trên thực địa" trước khi tổ chức Hội nghị Geneva II, đồng thời tỏ ra rất thất vọng về thỏa thuận Nga - Mỹ. Trong khi đó, các quan chức Mỹ đang vận động cho giải pháp phi quân sự và cho rằng tuyên bố của Hội nghị Geneva I vào tháng 6/2012 cũng từng đề cập đến giải pháp chính trị. Ngoài ra, Washington và một số đồng minh cho rằng thỏa thuận với Moskva là "sự khởi đầu cho thỏa thuận chính trị trong đó gắn việc giải quyết cuộc khủng hoảng với việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp ở Syria".
Trở ngại thứ hai liên quan đến vai trò trung gian hòa giải của quốc tế. Các nguồn tin ngoại giao phương Tây cho biết ông Brahimi đã vắng mặt tại Syria trong nhiều tháng qua và thiếu vắng các mối quan hệ với các bên xung đột ở Syria. Hiện đại diện của ông Brahimi tại Damascus - ông Mokhtar Lamani - đang cố gắng nối lại các cuộc tiếp xúc. Trong khi đó, ông Brahimi quan tâm tới các cuộc gọi quốc tế với Nga và Mỹ hơn là xây dựng lòng tin với các bên ở Syria. Ông đã không đến Damascus trong nhiều tháng qua và mối quan hệ của ông với chính phủ Syria hiện rất tồi tệ.
Trở ngại thứ ba liên quan đến các bên xung đột ở Syria. Chính quyền Syria đang có cảm giác giành chiến thắng sau khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận về giải giáp vũ khí hóa học ở Syria và cuộc tấn công quân sự của Mỹ và các nước đồng minh nhằm vào quốc gia Trung Đông này bị hủy bỏ. Đây là lý do tại sao chính quyền Syria tuyên bố "bác bỏ đối thoại với phe đối lập vũ trang" và phản đối sự tham gia của phe đối lập Syria lưu vong tại Hội nghị Geneva II cũng như các thành viên trong phe đối lập từng ủng hộ tấn công quân sự vào Syria. Ngoài ra, thời gian vừa qua đã xuất hiện ý kiến về việc hoãn cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Syria do tình hình an ninh và cần khoảng một năm để phá hủy kho vũ khí hóa học ở nước này.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Liên minh Dân tộc Syria cũng tỏ ra thất vọng với quan điểm của Washington, nhất là khi nhiều quan chức Mỹ lên tiếng hoan nghênh về thái độ của chính quyền Syria trong việc giải quyết vấn đề vũ khí hóa học. Kể từ khi tiến hành phá hủy vũ khí hóa học, chính quyền Syria đã trở thành một bên đối thoại và một số quốc gia đã bày tỏ thiện ý tới thăm Damascus.
Hữu Chiến (Theo mạng "Tin Trung Đông")