Ngay sau khi Cộng hòa Hàn Quốc được thành lập năm 1948, Ủy ban Kiểm toán và Ban Thanh tra được thiết lập dưới sự lãnh đạo của Tổng thống theo các quy định của Hiến pháp và Đạo luật Tổ chức Chính phủ năm 1948. Các cuộc kiểm toán do Ủy ban Kiểm toán thực hiện và các cuộc thanh tra do Ban Thanh tra tiến hành trong nhiều trường hợp có liên quan chặt chẽ với nhau, không thể phân biệt rõ ràng. Do đó, Hiến pháp sửa đổi năm 1962 đã quy định sáp nhập hai tổ chức này thành Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra (BAI) như hiện nay. BAI được thành lập vào ngày 20/3/1963 theo Đạo luật Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra năm 1963.
BAI trực thuộc Tổng thống, là cơ quan thanh tra, kiểm toán tối cao của quốc gia, thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán từ bên ngoài đối với các đối tượng công. BAI hoạt động theo chế độ lãnh đạo tập thể là một Hội đồng thường trực gồm 07 người, trong có có Chủ tịch BAI.
Trong suốt 4 lần sửa đổi Hiến pháp, địa vị pháp lý và nhiệm vụ của BAI đã được định hình như hiện nay. Điều đáng chú ý là trong Hiến pháp, BAI luôn được dành tính độc lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Địa vị pháp lý của BAI được quy định trong Hiến pháp Hàn Quốc, cụ thể như sau:
Điều 97: Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc được thành lập dưới thẩm quyền trực tiếp của Tổng thống nhằm kiểm tra quyết toán các khoản thu, chi của Nhà nước, các tài khoản của Nhà nước và các cơ quan khác theo quy định của Luật pháp cũng như hoạt động của các cơ quan hành chính và hoạt động của công chức.
Điều 98: Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra bao gồm ít nhất 05 và nhiều nhất 11 thành viên, kể cả Chủ tịch Ủy ban; Chủ tịch Ủy ban do Tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch là 04 năm,và chỉ có thể được bổ nhiệm lại thêm 01 nhiệm kỳ; Các thành viên của Ủy ban do Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban. Nhiệm kỳ của các thành viên này là 04 năm, và chỉ có thể được bổ nhiệm lại thêm 01 nhiệm kỳ.
Điều 99: Hàng năm, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra phải kiểm tra các quyết toán thu, chi ngân sách và báo cáo kết quả với Tổng thống và Quốc hội vào năm tiếp theo sau năm đó.
Điều 100: Luật pháp sẽ quy định về tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra, năng lực chuyên môn của các thành viên Ủy ban, trình độ của công chức chịu trách nhiệm điều tra và các vấn đề cần thiết khác.
Về địa vị pháp lý Chủ tịch Ủy ban: Địa vị của Chủ tịch BAI tương đương với Phó Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc;
Về cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ: BAI thực hiện chức năng kiểm toán và thanh tra (Hàn Quốc không có cơ quan Thanh tra Chính phủ). Báo cáo kiểm toán trình Quốc hội. Luật cũng quy định phải công khai báo cáo kiểm toán trên website.
Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc gồm các bộ phận: (1) Hội đồng Ủy viên; (2) Ban thư ký; (3) Viện đào tạo thanh tra và kiểm toán; (4) Viện nghiên cứu thanh tra và kiểm toán; (5) Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Đứng đầu BAI là Chủ tịch Ủy ban.
Hội đồng Ủy viên là cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất gồm có 07 Ủy viên (bao gồm cả Chủ tịch).
Ban thư ký bao gồm Tổng thư ký và 04 Phó Tổng thư ký thực hiện công tác quản lý chung và toàn bộ các hoạt động kiểm toán, thanh tra và phụ trách các đơn vị chuyên môn sau:
- 08 Vụ chuyên môn về kiểm toán gồm: 02 Vụ thực hiện kiểm toán chính quyền địa phương, 06 Vụ khác thực hiện chức năng kiểm toán được chia theo các lĩnh vực khác nhau (Vụ kiểm toán kinh tế và quản lý tài chính, Vụ kiểm toán phúc lợi xã hội/giáo dục, Vụ kiểm toán các tổ chức công, Vụ kiểm toán môi trường và xây dựng hạ tầng, Vụ kiểm toán quỹ và tổ chức tài chính, Vụ kiểm toán an ninh quốc phòng và quản lý chính phủ).
- 03 khối kiểm toán: kiểm toán quốc phòng, công nghệ thông tin và vốn chi phí quản lý xã hội (SOC).
- 01 khối kiểm toán chung: kiểm toán các dự án và chính sách chiến lược của quốc gia.
- 02 Vụ về thanh tra gồm: Vụ điều tra đặc biệt và Vụ điều tra yêu cầu kiểm toán.
- 01 khối thanh tra: Khối điều tra các khiếu nại và kiến nghị dân sự.
- 09 phòng hỗ trợ gồm: phòng lập kế hoạch và quản lý (trong đó có bộ phận phụ trách về hợp tác quốc tế), phòng hỗ trợ kiểm toán CNTT, phòng hỗ trợ kiểm toán nội bộ, phòng pháp chế và chất lượng kiểm toán, phòng tổ chức cán bộ, phòng phán xử, phòng hành chính tổng vụ, phòng tổng thanh tra, phòng quản lý công.
BAI tổ chức kiểm toán tập trung thống nhất ở cấp trung ương và không có các văn phòng khu vực.
BAI có nhiều kinh nghiệm về kiểm toán hoạt động. Từ năm 1993, sau khi thông báo kế hoạch thực hiện kiểm toán hoạt động, BAI đã không ngừng nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Năm 2004, BAI thông qua phương pháp kiểm toán hoạt động của Hàn Quốc gọi là Kiểm toán hệ thống. Kiểm toán hệ thống giám sát chính sách, dự án, luật pháp của chính phủ nhằm phân tích có hệ thống các vấn đề. Hướng dẫn về kiểm toán hoạt động được phát hành năm 2004, Sổ tay kiểm toán hoạt động phát hành năm 2005. Từ năm 2007-2012, 56,1% cuộc kiểm toán do BAI thực hiện là kiểm toán hoạt động và kiểm toán đặc biệt (bản chất tương tự như kiểm toán hoạt động).
BAI cũng có thế mạnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán. Từ năm 2006, BAI đã áp dụng Hệ thống thông tin thanh tra kiểm toán điện tử để quản lý các hoạt động hành chính nội bộ và hỗ trợ quản lý thông tin. Mỗi kiểm toán viên mới vào nghề, thời gian đào tạo về CNTT bắt buộc là 02 tuần. Hàng năm, theo thực tế có chương trình đào tạo, cập nhật riêng cho từng đối tượng học viên.
Ngoài ra, BAI cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Viện đào tạo kiểm toán và thanh tra được thành lập năm 1995 là trung tâm không chỉ đào tạo cho các cán bộ của BAI mà còn đào tạo cho các cán bộ thuộc Bộ ngành khác kiến thức liên quan đến kiểm toán và thanh tra.
BAI tham gia tích cực và đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong hoạt động điều hành cũng như chuyên môn của ASOSAI và INTOSAI. Là thành viên Ban điều hành ASOSAI nhiều nhiệm kỳ, BAI đảm nhiệm chức năng Ban Thư ký ASOSAI, Chủ tịch BAI là Tổng Thư ký ASOSAI giai đoạn 2009-2018 và Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 1982-1985. BAI hiện còn là thành viên tích cực của INTOSAI, đóng vai trò Cơ sở hợp tác với Liên hợp quốc của INTOSAI, thành viên Ủy ban chuẩn mực nghề nghiệp, Ủy ban tăng cường năng lực, Ủy ban chia sẻ kiến thức của INTOSAI, Nhóm công tác về kiểm toán công nghệ thông tin, Nhóm công tác về nợ công của INTOSAI… Năm 2001, BAI đăng cai Đại hội INCOSAI XVII về chủ đề “Hoạt động kiểm toán các tổ chức quốc tế và siêu quốc gia của các Cơ quan Kiểm toán tối cao”, “Đóng góp của Cơ quan Kiểm toán tối cao vào công cuộc đổi mới hành chính và cải cách hoạt động của chính phủ” và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch INTOSAI nhiệm kỳ 2001-2004.