ASEAN - Vươn tầm từ hợp tác nội khối

Cách đây 50 năm, khi những ý tưởng tiên phong về một hiệp hội khu vực các quốc gia Đông Nam Á được hiện thực hóa trong Tuyên bố Bangkok 1967, đã có những hoài nghi về khả năng thành công của tổ chức khu vực này.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ 5 trái) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và New Zealand tại Manila, Philippines, ngày 6/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Rõ ràng là tính chất đa dạng đến độ phức tạp của chế độ chính trị, quy mô lãnh thổ, kinh tế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ cũng như diễn trình lịch sử quá nhiều khúc quanh của khu vực đã khiến cho việc đặt mục tiêu “Xây dựng một cộng đồng hòa bình, ổn định, có nền kinh tế văn hóa xã hội phát triển” trong bản tuyên bố có lúc bị xem là khá xa vời, nếu không muốn nói là bất khả thi. Thế nhưng, lịch sử phát triển của ASEAN đã xua tan những hoài nghi đó.

Trước thềm lễ kỷ niệm "Vàng" – 50 năm, có thể nói ASEAN đã đạt được những thành tựu mang tính bước ngoặt. Vượt qua những biến động lớn, phức tạp và sâu sắc trong tình hình quốc tế và khu vực trong 5 thập kỷ qua, ASEAN đã trở thành tổ chức hợp tác khu vực thành công. Khu vực Đông Nam Á đã chuyển từ nghi kỵ, đối đầu và xung đột thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác thông qua nhiều sáng kiến về chính trị, an ninh cũng như kinh tế. ASEAN đã dần xây dựng được các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia, thống nhất được các mục tiêu chung, tạo dựng được lòng tin và thói quen hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á, đảm bảo hòa bình và ổn định không chỉ trong khu vực mà còn góp phần tăng cường hòa bình và hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nền tảng cho các thành tựu trong 50 năm qua là những cơ chế hợp tác nội khối của ASEAN được triển khai thông qua các hiệp ước, diễn đàn, hội nghị, dự án, chương trình phát triển, việc xây dựng Khu vực tự do thương mại ASEAN và các hoạt động văn hóa thể thao khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã từng bước xây dựng và vận dụng những cơ chế này nhằm đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và tiến bộ xã hội của các nước thành viên; xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình ổn định, có nền kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; giải quyết những khác biệt trong nội bộ liên quan đến mối quan hệ giữa ASEAN với các nước, khối nước khác hoặc các tổ chức quốc tế khác.

Trong những thập kỷ qua, trật tự khu vực tương đối ổn định nhờ các cơ chế hợp tác an ninh, đối thoại, các nguyên tắc của Phương cách ASEAN: Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Văn kiện lịch sử chế định mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) ra đời ngày 24/2/1976 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ nhất ở Bali (Indonesia). Các nhà lãnh đạo ASEAN khi đó  khẳng định TAC có mục đích tối thượng là duy trì hòa bình vĩnh viễn, thúc đẩy tình đoàn kết, thân thiện, quan hệ hợp tác chặt chẽ và lâu bền giữa các nước thành viên. ASEAN cũng đã sử dụng TAC thành Bộ luật ứng xử giữa các nước Đông Nam Á với các nước ngoài khu vực. Mới nhất, việc chính thức tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cũng như ba kế hoạch cộng đồng tương ứng là minh chứng rõ ràng cho cam kết quyết tâm xây dựng ASEAN thành một khối các quốc gia hợp tác và cố kết.

ASEAN cũng đang giữ vai trò kết nối quan trọng ở khu vực, nhất là các nước lớn, góp phần xây dựng và định hình cấu trúc khu vực thông qua các tiến trình, cơ chế và diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt. Đặc biệt, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được ASEAN khởi xướng tháng 7/1994, đã nổi lên như là diễn đàn hàng đầu cho đối thoại và trao đổi ý kiến về các vấn đề an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến nay, ARF đã có 27 thành viên gồm 10 nước thành viên ASEAN, 10  đối thoại và 7 quốc gia ngoài khu vực. Giới quan sát đều thống nhất rằng thành công của ASEAN trong việc thu hút sự can dự chiến lược của các nước lớn được đặt trên nền tảng vững vàng của sự đoàn kết nội khối. Mặt khác, sự ra đời của Hiến chương ASEAN đã cho phép ASEAN có tư cách pháp nhân trong quan hệ với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế, qua đó gia tăng vị thế quốc tế của Hiệp hội với các đối tác bên ngoài.

Về kinh tế, ASEAN hiện được đánh giá là một thực thể kinh tế ổn định và năng động có khả năng thích ứng cao trước các chuyển biến của khu vực và thế giới. ASEAN đã tự chuyển mình thành một không gian kinh tế mở và hội nhập với thương mại nội khối hiện chiếm 1/4 tổng giá trị thương mại toàn khu vực này. Với hơn 630 triệu dân, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) còn là một thị trường giàu tiềm năng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có tổng GDP đạt gần 3.000 tỷ USD. Từ chỗ là nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới vào thời điểm thành lập (ngày 31/12/2015), đến đầu năm 2017, nền kinh tế AEC đã vươn lên thứ 6 thế giới và  thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ với tổng giá trị thương mại hàng năm trên 1.000 tỷ USD và có hiệp định thương mại tự do (FTA) với tất cả các đối tác lớn của khu vực.

Các nước ASEAN cũng đã đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực thông qua việc xây dựng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và các chương trình hợp tác kinh tế khác.  Không chỉ thúc đẩy liên kết nội khối, ASEAN đã xây dựng các liên kết kinh tế với nhiều đối tác. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ASEAN khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2011 sẽ tạo dựng nên một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm gần một nửa dân số thế giới và hơn 1/3 thương mại toàn cầu. Với RCEP, sự hội nhập kinh tế của ASEAN sẽ càng sâu sắc bởi RCEP được đánh giá là sẽ tạo ra mối quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và đem lại lợi ích cho các bên.

Cũng trong nửa thế kỷ qua, giá trị và bản sắc chung của khu vực đã được xây dựng thông qua các hoạt động hợp tác ASEAN trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, qua đó đã từng bước tăng cường hiểu biết và tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Đông Nam Á, giữa các nước trong khu vực với các nước ngoài khu vực. Nhờ các hoạt động giao lưu thể thao, kết nối văn hóa, giáo dục, các giá trị và bản sắc chung của khu vực đã được củng cố và ý thức cộng đồng của các nước ASEAN đã được tăng cường. Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản được thúc đẩy và bảo vệ. Văn hóa dân tộc truyền thống của mỗi nước được bảo tồn và phát huy trong khi cộng đồng các quốc gia ASEAN chia sẻ bản sắc và giá trị chung. Văn hóa – xã hội đã được xem là 1 trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN và vai trò của văn hóa xã hội trong xây dựng ASEAN cũng đã được khẳng định ở cấp cao nhất.

Một trong những yếu tố tạo nên thành công của các cơ chế hợp tác trong ASEAN là đề cao cách tiếp cận giải quyết vấn đề một cách tiệm tiến. Đó là cách tiếp cận từ không chính thức đến chính thức, linh hoạt và thỏa hiệp để bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng, phù hợp với hoàn cảnh, khả năng và trình độ phát triển cũng như lợi ích của các quốc gia thành viên. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực, các nước ASEAN cần tăng cường hiệu quả hợp tác của mình thông qua một số  biện pháp cụ thể. Trước hết là cân nhắc tìm ra một cách thức mới, hiệu quả hơn trong quá trình ra quyết định thay cho quá trình tìm kiếm sự đồng thuận hoàn toàn như hiện nay. Thứ hai, các nước thành viên ASEAN phải có cam kết mạnh mẽ đối với lợi ích của ASEAN, nhất là trong vấn đề hòa bình và ổn định, phải có quyết tâm chính trị để cùng nhau giải quyết các vấn đề ASEAN đối mặt. Thứ ba, phải cân bằng được lợi ích khu vực - lợi ích ASEAN với lợi ích riêng của các quốc gia thành viên.

Cuối cùng, hiệu quả hợp tác của ASEAN liên quan đến năng lực của mỗi quốc gia thành viên trên các phương diện kinh tế, chính trị và xã hội. Điều này đòi hỏi ASEAN phải triển khai các dự án kết nối phát triển và đảm bảo sự phát triển bao quát, trọn vẹn đối với tất cả các thành viên. Chỉ khi đạt được điều này thì ASEAN mới có thể đảm bảo được sự hợp tác nội khối lành mạnh, giúp khu vực tránh khỏi sự thao túng của các thế lực bên ngoài và hiện thực hóa được mong muốn nắm giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Sơn Nam (Phóng viên TTXVN tại Thái Lan)
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3 thảo luận tình hình Triều Tiên
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3 thảo luận tình hình Triều Tiên

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và 3 đối tác gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã khai mạc sáng 7/8 tại thủ đô Manila, Philippines.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN