'Ăn bớt” vắcxin tại Trung tâm Y tế Dự phòng

Trước thông tin phản ánh về vụ việc “ăn bớt” vắcxin 5 trong 1 tại Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) Hà Nội, chiều 9/5, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc TTYTDP Hà Nội đã thừa nhận sự việc xảy ra ngày 19/4/2013 và cho biết hướng xử lý đối với vụ việc và nhân viên y tế vi phạm.

Thực nghiệm do chính Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thực hiện tại hiện trường. Ảnh: anninhthudo.vn


Trước đó, tiếp nhận phản ánh sự việc từ phía người dân là anh Dương Thái Lam – địa chỉ 198 đường Riêng Thông, Tích Sơn, Vĩnh Phúc, bố của cháu Dương Kiều Phong (sinh ngày 4/12/2012), về việc nhân viên y tế khi thực hiện việc tiêm chủng vắcxin 5 trong 1 loại vô bào Pentaxim cho con anh đã “ăn bớt” vắcxin, Thanh tra Sở Y tế cùng với lãnh đạo Trung tâm đã ngay lập tức có mặt cùng với người nhà bệnh nhân lập biên bản vụ việc.

Theo biên bản được lập ngày 19/5/2013, với sự có mặt của ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế; ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc TTYTDP Hà Nội; bà Bùi Thị Phương Hoa (cán bộ trực tiếp tiêm cho con anh Lam) cùng ba cán bộ, nhân viên y tế khác, bà Hoa thừa nhận đã thực hiện không đúng quy trình tiêm chủng, không bỏ lọ vắc xin vào xô mà bỏ vào hộp giấy để phiếu.

Thực nghiệm do chính Giám đốc TTYTDP thực hiện tại chỗ cũng cho thấy, lượng vắc xin thừa lại trong lọ vắc xin tiêm cho cháu Phong còn xấp xỉ 0,2ml, trong khi một liều tiêm đầy đủ được đóng trong lọ là 0,5ml (tức gần 50%).

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đã ngay lập tức yêu cầu Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, nơi trực tiếp quản lý chị Hoa - nhân viên vi phạm, làm rõ sự việc, trước mắt buộc chị Hoa không được đứng tiêm chủng trong vòng một tuần để làm kiểm điểm trình bày sự việc. Song chị Hoa giải trình với lý do: “Hôm đó mệt nên tiêm chủng không đúng quy định, còn sót vắcxin.”

Theo anh Lam, do đã nghe thông tin Phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh có gian lận vắcxin nên sau khi mua phiếu tiêm, trong khi vợ bế con vào tiêm, anh Lam đã đứng ngoài quan sát. Khi phát hiện ra nhân viên y tế sau khi rút thuốc từ trong lọ ra tiêm cho con anh nhưng không vứt lọ vào xô có túi nilon màu đen đựng vỏ lọ để gần đó, mà cho vào hộp catton đựng phiếu tiêm, anh đã hỏi nhân viên là Bùi Thị Phương Hoa thì nhân viên này trả lời quanh co. Anh đã thu giữ được lọ vắcxin nhân viên y tế vừa rút thuốc để tiêm cho con anh và phát hiện có 2 lọ khác cũng có lượng dung dịch thuốc vơi khoảng 2/3. Ngay sau đó anh đã gọi điện cho Chánh Thanh tra Sở Y tế đến lập biên bản sự việc.

Với giá 1 liều vắcxin 5 trong 1 loại vô bào Pentaxim là 635.000 đồng, thì việc “ăn bớt” 0,2/05 ml mỗi liều vắcxin tương đương 254.000 đồng. Câu hỏi đặt ra của dư luận, liệu có bao nhiêu cháu bé đã bị tiêm thiếu vắcxin mà không bị phát hiện và những cháu bị tiêm thiếu vắcxin có khả năng phòng chống được bệnh hay không?

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, nếu tiêm thiếu vắcxin và sử dụng vắcxin “ăn bớt” để tiêm lại cho trẻ khác đều không có khả năng phòng bệnh. Lượng vắcxin 5 trong 1 loại vô bào Pentaxim đủ cho một liều tiêm chủng phải là 0,5 ml và phải được bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C. Vắcxin đã bị mở để ở nhiệt độ thường nếu tận dụng tiêm cho trẻ thì không đủ tiêu chuẩn để phòng bệnh.

Theo ông Cảm, sau sự việc trên, Trung tâm đã rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng nhưng hiện chưa phát hiện sai sót nào mang tính hệ thống; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của chị Hoa, xem xét mức độ vi phạm, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, chứ không bao che. Về phản ánh của anh Lam, ngoài lọ vắcxin trên, trong hộp còn có 2 lọ khác cũng có lượng dung dịch thuốc vơi khoảng 2/3, song theo ông Cảm đó là 2 loại vắcxin khác và đã được tiêm hết.

Trường hợp cháu bé con anh Lam, hiện TTYTDP đã cử bác sĩ theo dõi sức khỏe về mặt tiêm chủng và sẽ kiểm tra xem con anh Lam có được vắcxin bảo vệ hay không? Nhưng ông Cảm cũng thừa nhận, liều vắcxin Pentaxim có tác dụng phòng 5 bệnh, do đó phải xét nghiệm định lượng kháng thể 5 lần, nhưng hiện nay Trung tâm vẫn chưa liên hệ được với nơi nào để làm xét nghiệm. Ông Cảm nhận trách nhiệm và cho biết sẽ nghiêm túc rà soát quy trình tiêm chủng và xử lý theo quy định.

TTYTDP khẳng định, quy trình tiêm chủng vắcxin được thực hiện tại Trung tâm là chặt chẽ, có kiểm tra sổ sách, báo cáo hàng ngày. Tại các phòng tiêm của TT cũng công khai 3 số điện thoại "nóng" của Giám đốc Trung tâm, Chủ nhiệm khoa và y tá phụ trách tiêm. Ngoài ra, Trung tâm còn có 2 số điện thoại để tiếp nhận thông tin phòng chống dịch và ngày mai (10/5) sẽ có thêm một số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ phía người dân.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, sự việc đang được TTYTDP xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, sau đó sẽ báo cáo lên Sở Y tế. Sự việc trên cũng cần được làm rõ tránh gây hoang mang cho người dân.

Trong khi vấn đề “y đức” được ngành y tế đặt lên hàng đầu, thì cho dù vô tình hay cố ý, hành động nêu trên của nhân viên y tế khi thực hiện tiêm chủng cho trẻ cũng không thể chấp nhận. Nhất là khi họ ý thức rõ sai phạm của mình sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của những đứa trẻ. Chính vì vậy, sự việc trên cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm túc để người dân có thể yên tâm khi đưa con đi tiêm chủng.


Tuyết Mai
Tạm ngừng vắcxin 5 trong 1 không ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch
Tạm ngừng vắcxin 5 trong 1 không ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch

Việc tạm ngừng tiêm vắcxin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà- uốn ván- viêm gan B và Hib (Quinvaxem) có thể sẽ mất một thời gian (từ 1-3 tháng). Thời gian này sẽ không ảnh hưởng đến việc đáp ứng miễn dịch khi tiếp tục tiêm liều tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN