Ai Cập chìm trong biểu tình

Ngày 1/7, tình hình Ai Cập đã rơi vào bế tắc sau khi hàng triệu người biểu tình rầm rộ bày tỏ sự phản đối nhân lễ kỉ niệm một năm cầm quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi. Những người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu "nhân dân yêu cầu chính phủ từ chức", số quá khích còn phóng hỏa đốt trụ sở của lực lượng Anh em Hồi giáo.


Biển người biểu tình rầm rập bên ngoài Dinh Tổng thống tại Cairô ngày 30/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Bom hẹn giờ đã nổ


Các cuộc tuần hành thu hút khoảng 500.000 người tham dự tại Quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairô và một số lượng tương đương khác tại thành phố Alexandria. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ phong trào “Mùa xuân Arập” lật đổ nhà lãnh đạo Hosni Mubarak năm 2011.

 

Chiều 30/6, trụ sở của tổ chức Anh em Hồi giáo ở Cairô đã bị tấn công bằng bom xăng. Liên minh đối lập chính ở Ai Cập còn kêu gọi hàng trăm nghìn người biểu tình đòi Tổng thống Mohamed Morsi từ chức lưu lại trên các tuyến phố cho tới khi đạt được mục tiêu.


Các cuộc đụng độ ngày 30/6 giữa phe đối lập và lực lượng ủng hộ tổng thống đã khiến ít nhất 10 người chết và hơn 50 người bị thương. Trước đó, trong tuần qua, các cuộc đụng độ tương tự cũng đã làm ít nhất 8 người thiệt mạng và 600 người khác bị thương.


Nhận xét về tình hình căng thẳng tại Ai Cập, Salah Salem, giáo sư chính trị tại Đại học Cairô cho rằng: "Cuộc biểu tình với số lượng người lớn như vậy sẽ không dừng lại nếu không có điều gì quan trọng được quyết định. Đám đông biểu tình đã thể hiện ‘cơn giận dữ của quần chúng’ đối với Tổng thống và tổ chức Anh em Hồi giáo của ông”. Mặc dù vậy, ông Salem không đồng tình với yêu cầu lật đổ Tổng thống và tổ chức một cuộc bầu cử sớm của phe đối lập. “Đòi hỏi này là trái luật và không khả thi. Nó không những không thể giúp giải quyết khủng hoảng mà còn đổ thêm dầu vào lửa”, ông nói.

 

“Tối hậu thư” của phe đối lập


Phong trào đối lập Tamarod (Nổi dậy) ở Ai Cập hiện đang lãnh đạo các cuộc biểu tình trên cả nước đã ra hạn chót là ngày hôm nay, 2/7, Tổng thống Mohamed Morsi phải từ chức. Trong tuyên bố đăng tải trên trang web riêng, Tamarod nhấn mạnh: "Chúng tôi ra thời hạn cho ông Morsi tới 17 giờ (15 giờ GMT) ngày 2/7 phải từ chức, để các cơ quan nhà nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn". Tuyên bố còn đe dọa nếu tổng thống không từ chức thì vào "17 giờ ngày 2/7 sẽ bắt đầu chiến dịch đấu tranh bất bạo động toàn diện".


Trong suốt thời gian biểu tình, Tổng thống Morsi đã không xuất hiện, song thừa nhận thông qua lời một phát ngôn viên rằng ông đã phạm sai lầm, đồng thời cho biết ông đang sửa chữa chúng và sẵn sàng đối thoại. Ông không tỏ bất kì dấu hiệu nào là sẽ từ chức. Tuy vậy, trong ngày 1/7, bốn bộ trưởng trong chính phủ Ai Cập, bao gồm người đứng đầu các bộ: Du lịch, Môi trường, Viễn thông và Tư pháp, đã đồng loạt xin từ chức.


Giáo sĩ Hồi giáo có uy tín ở Cata, Sheikh Youssef Qaradawi, khi tới Cairô đã kêu gọi người dân Ai Cập hãy tỏ ra kiên nhẫn hơn với ông Morsi dù cho rằng Tổng thống đã mắc những sai lầm. Ông Qaradawi phát biểu trên truyền hình: "Ông Morsi đã nắm quyền được bao lâu? Một năm. Liệu 1 năm có đủ để giải quyết các vấn đề của 60 năm không? Không thể... Chúng ta phải cho người đàn ông này một cơ hội và giúp đỡ ông ta. Mọi người cần phải đoàn kết".


Lê Hoàng (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN