30.000 tỷ và kỳ vọng “3 trong 1”

Nâng lên, đặt xuống gần 6 tháng kể từ khi khởi động xây dựng chính sách, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất gói tín dụng 30.000 tỉ đồng với lãi suất 6%/năm, thời gian vay 10 năm, cho các đối tượng thu nhập thấp vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở và cho các doanh nghiệp vay để xây nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở thương mại giá thấp, diện tích nhỏ.

 

So với nhu cầu và mong muốn phá băng thị trường bất động sản thì gói tín dụng 30.000 tỉ đồng không phải là lớn. Chính vì không lớn nên việc sử dụng gói tín dụng này đòi hỏi cần căn cơ, triển khai cách nào để vốn vào đúng địa chỉ, đến đúng đối tượng.


Có thể nói, việc gói tín dụng hỗ trợ người thu nhập thấp vay với lãi suất thấp để mua nhà ở vào thời điểm này là rất đúng và trúng. Đúng ở chỗ người thu nhập thấp là những người có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/người/tháng, với mức thu nhập như thế thì không thể còn dư tiết kiệm để mua nhà. Chính vì vậy, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ các đối tượng này để họ có cơ hội có nhà ở.


Khi thảo luận để ra chính sách này, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên hỗ trợ người mua nhà mà không cần hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần phải nhận diện được thực tế: trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp bất động sản rất khan vốn. Nếu doanh nghiệp không có vốn thì cũng sẽ chẳng có NOXH, chẳng có chuyện các dự án nhà ở được chuyển đổi diện tích từ nhà diện tích lớn xuống diện tích nhỏ để dễ tiêu thụ. Chính vì vậy mà doanh nghiệp xây dựng mới được đưa vào đối tượng được vay vốn trong gói tín dụng này.


Có thể hiểu được, kỳ vọng của các nhà làm chính sách khi đưa ra gói tín dụng này là “3 trong 1”. Một là giúp người thu nhập thấp có nhà ở - hai là giúp doanh nghiệp xây dựng và các ngành liên quan đến bất động sản giảm được hàng tồn kho - ba là triển khai hiệu quả chính sách này sẽ dần góp phần giảm nợ xấu ngân hàng. Khi nợ xấu ngân hàng giảm sẽ tạo cơ sở để giảm lãi suất. Khi lãi suất giảm, sức cầu tăng, sản xuất và nền kinh tế nhờ đó mà phục hồi.


Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ngân sách eo hẹp, việc Nhà nước dành ra một khoản tín dụng 30.000 tỉ đồng cho an sinh xã hội là rất nỗ lực. Chính vì vậy, việc sử dụng nguồn vốn này phải đảm bảo đúng mục đích. Không thể chấp nhận tình trạng trục lợi từ nguồn vốn này để “lopby” dự án mới hay đảo nợ.


Dư luận hài lòng về chính sách đúng bao nhiêu thì càng kỳ vọng vào sự phối hợp triển khai chính sách hiệu quả bấy nhiêu với hai cơ quan triển khai chính sách là Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước.

 

Đức Thịnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN