Hình thức tổ chức phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh
Hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình “Xuân Quê hương” dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là dịp để đồng bào xa Tổ quốc gặp gỡ, giao lưu, đón Tết vui xuân với người dân trong nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ở trong và ngoài nước, năm nay, nhiều đồng bào ở nước ngoài không thể về thăm quê hương đón Tết cổ truyền dân tộc, do đó, Chương trình “Xuân Quê hương 2021” sẽ có hình thức tổ chức phù hợp để bà con chung vui đón Tết, đáp ứng lòng mong mỏi của cộng đồng và đồng bào ở nước ngoài, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, Ủy ban nhà nước về người Việt sẽ tổ chức duy nhất một hoạt động giao lưu nghệ thuật, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4 và nền tảng kỹ thuật số VTVgo, vtv.vn. Chương trình sẽ diễn ra từ 20 giờ 10 phút đến 21 giờ ngày 4/2/2021 (tức ngày 23 tháng Chạp, năm Canh Tý) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, không có khán giả tham dự.
Chương trình giao lưu nghệ thuật được dàn dựng công phu, ấn tượng với nhiều tiết mục đặc sắc ca ngợi quê hương đất nước, truyền tải không khí đón xuân mới ấm áp, rộn ràng trên khắp mọi miền đất nước với sự thể hiện của các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng trong nước và các nghệ sỹ Việt Nam ở nước ngoài. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu chúc Tết cộng đồng và đồng bào ta ở nước ngoài trong chương trình.
Từ Hội nghị gặp mặt thân mật các kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Dậu năm 1993 để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đến năm 2008, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan và một số địa phương tổ chức Chương trình “Xuân Quê hương”. Đây là dịp để bà con người Việt Nam trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu nhân dịp Tết đến, xuân về. Từ đó đến nay, chương trình đã trở thành sự kiện lớn thường niên, thu hút sự tham dự của đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê hương đón Tết, được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chờ đón mỗi năm mới đến.
Nhiều đóng góp cho các vấn đề phát triển đất nước
Theo thông tin của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt ở sở tại ngày càng được nâng cao. Mặc dù chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19, đại bộ phận bà con đều kiên trì bám trụ địa bàn, có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân sở tại và hướng về quê hương, đất nước.
Năm 2020, kiều bào đã quyên góp số tiền mặt lên tới 35 tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở trong nước; quyên góp, ủng hộ hơn 40 tỷ đồng, cùng nhiều hàng hóa, vật phẩm qua các hội đoàn của người Việt ở nước ngoài nhằm hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống.
Tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Mặc dù chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, nhưng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 vẫn ở mức cao, ước đạt 15,7 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới (theo thống kê của Ngân hàng thế giới).
Cùng với đó, nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối tri thức người Việt tại địa bàn đóng góp cho các vấn đề phát triển đất nước được đề xuất và triển khai. Thông qua mạng lưới này, các học giả, nhà khoa học người Việt tại Anh đã được hỗ trợ kết nối với các nhà khoa học trong nước thực hiện những dự án nghiên cứu về vấn đề phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam như dự án sử dụng dữ liệu lớn trong vấn đề phòng chống sạt lở ở vùng núi phía Bắc, dự án ứng dụng cho vấn đề xâm nhập mặn và khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề ô nhiễm không khí... Bên cạnh đó, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt - Đức có nhiều hoạt động tăng cường quảng bá, kết nối với các trí thức, chuyên gia người Việt và gốc Việt, các doanh nghiệp, tập đoàn của Đức và người Việt tại Đức.
Cùng với đó, kiều bào thuộc nhiều đối tượng, tầng lớp như chuyên gia, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, người lao động... hiện đang sống ở trong nước hoặc đang sinh sống ở nước ngoài đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như chuyển đổi số, giải pháp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19.