Xây lực lượng thanh tra trong sạch, vững mạnh

Tiếp sau phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, sáng 12/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Tổng thanh tra Chính phủ đã tập trung trả lời chất vấn vào nội dung: công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của Thanh tra các cấp trong thời gian qua, đánh giá, dự báo và kiến nghị giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ công tâm, chuyên nghiệp, hiểu biết chuyên sâu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

* Khẳng định quyết tâm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn về việc phát hiện hành vi tham nhũng trong ngành thanh tra qua các năm còn thấp; như vậy, tham nhũng được đẩy lùi hay sự phát hiện ngày càng hạn chế. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Công tác phòng chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm vì vậy việc tập trung phòng chống tham nhũng là trọng tâm trong nhiều Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: TTXVN


Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, ngày càng tinh vi, khó phát hiện, cần tiếp tục đấu tranh phòng, chống tích cực hơn. Với vai trò là cơ quan tham mưu về phòng chống tham nhũng, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục giáo dục, cán bộ có tính khách quan, công tâm trong thực hiện các kết luận thanh tra, hạn chế tiêu cực, bỏ lọt tội; đào tạo cán bộ am hiểu pháp luật, sớm phát hiện các hành vi tham nhũng...

Đánh giá ngành thanh tra đã có nhiều cố gắng trong việc phát hiện tham nhũng, tuy nhiên kết quả thu hồi tài sản sau thanh tra còn thấp, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) chất vấn Tổng Thanh về nguyên nhân và giải pháp gì khắc phục tình trạng này? Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh khẳng định: từ năm 2012 đến nay đã có sự chuyển biến trong công tác thu hồi tài sản sau kết luận thanh tra. Thời điểm từ 2008 đến 2011, việc xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ thấp: số tiền thu hồi chỉ đạt 30%, đất đai thu hồi chỉ đạt 20%. Giải quyết vấn đề này, ngành Thanh tra tập trung vào việc thực thi luật Thanh tra, xem đây là một hoạt động trọng tâm. Vì vậy, đến năm 2012, ngành đã đôn đốc thực hiện kết luận xử lý sau thanh tra, số tiền thu hồi đã tăng lên 51%, diện tích đất đai thu hồi đã tăng 83%..

Tổng thanh tra cho biết, theo luật, thẩm quyền của ngành chỉ có thể phát hiện, làm rõ, kiến nghị và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý nên việc xử lý kết luận thanh tra còn hạn chế. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định xử lý sau thanh tra; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước soạn thảo dự thảo Thông tư phong tỏa tài sản đối với các đơn vị kinh tế mà kết luận đã phát hiện vi phạm nhưng không thực hiện sau thanh tra; nâng cao trách nhiệm hoạt động để có hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi cao trong thực hiện kết luận thanh tra...

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về nhận định: việc một số đối tượng thanh tra có dấu hiệu vi phạm nhưng ngành không chuyển hoặc chuyển chậm cho cơ quan điều tra, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa nhận việc chuyển các đối tượng vi phạm sang cơ quan điều tra đã được Thanh tra Chính phủ làm tích cực nhưng việc chuyển còn ít, tính khả thi của việc điều tra truy tố xét xử chưa nhiều, yếu tố cấu thành tội phạm tham nhũng còn thấp. Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ thanh tra để bảo đảm tính công khai, khách quan trong việc chuyển cơ quan điều tra.

* Hạn chế tiêu cực trong hoạt động ngành thanh tra


Đối với câu hỏi về việc phát hiện, xử lý tham nhũng ngay trong ngành Thanh tra của đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Qua thống kê từ 2011 - 2013, toàn ngành thanh tra có 85 cán bộ công chức bị xử lý/28 nghìn cán bộ trong toàn ngành, trong đó, xử lý hành chính là 71 người, xử lý hình sự 14 người, trong đó 11 người có dấu hiệu tham nhũng. Riêng Thanh tra Chính phủ đã xử lý 12 cán bộ, trong đó, có một trường hợp chuyển cơ quan hình sự, một trường hợp cắt chức và có các hình thức xử lý khác.Việc xử lý cán bộ công chức trong ngành tuy chưa nhiều nhưng đã có sự kiên quyết nhằm khắc phục các hạn chế yếu kém.

Tổng Thanh tra nhận định nguyên nhân của việc này là do ý thức chấp hành về pháp luật và kỷ luật của cán bộ chưa tốt; công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa thường xuyên, liên tục; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, bệnh thành tích trong xử lý cán bộ. Thanh tra Chính phủ đã kiểm điểm sâu sắc vấn đề này. Thời gian tới, ngành sẽ nỗ lực tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; ban hành các quy định tiêu chuẩn định mức để quản lý chặt chẽ hoạt động của ngành; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, giám sát, xử lý nếu có các hành vi tiêu cực, tham nhũng xảy ra.

Giải thích cho đại biểu Nguyễn Thị An (Hà Nội) về việc bổ nhiệm hơn 60 cán bộ trong giai đoạn từ đàu năm 2011 đến tháng 8/2013, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết nguyên nhân là do yêu cầu trong công tác cán bộ để thực thi công tác thanh tra và phục vụ cho việc thành lập các đơn vị mới được thành lập. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này cũng có nhiều sơ suất: thời gian bổ nhiệm cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Thanh tra Chính phủ đã kiểm điểm nghiêm túc và khắc phục kịp thời theo Nghị quyết Trung ương 4.

* Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân


Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Điểu K'Rứ (Đắk Nông) về việc giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, tránh tình trạng đã giải quyết nhưng người dân vẫn quay lại khiếu nại, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ: Theo thống kê trên toàn quốc, đến năm 2011 còn 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, trong đó có nhiều vụ việc thời gian lên tới 40 - 50 năm. Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành thành lập 28 đoàn về 46 tỉnh để giải quyết. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đôn đốc, nhắc nhở và trực tiếp giải quyết. Đến cuối tháng 5/2014, các cấp các ngành đã giải quyết xong 492 /528 vụ việc. Còn lại 36 vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, trong đó 15 cụ thuộc thẩm quyền địa phương, 12 vụ thuộc thẩm quyền Thanh tra Chính phủ xem xét, 9 vụ việc phức tạp báo cáo Chính phủ giải quyết. Trong số 492 vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng đã giải quyết xong có 43 vụ tiếp khiếu, 53 vụ dân tiếp tục yêu cầu xem xét lại, chiếm tỷ lệ không cao.

Qua giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, các cơ quan Nhà nước đã khôi phục quyền lợi; hỗ trợ cho người dân trên 1.300 tỷ, 34 ha đất sản xuất, 0,8 ha đất ở và 24 nền nhà tái định cư. Việc giải quyết đã mang lại hiệu quả cho người dân, một mặt giải quyết quyền lợi trực tiếp cho người dân, mặt khác xem xét, khôi phục quyền lợi cho người dân, có chính sách hỗ trợ cho các hộ khó khăn, giúp người dân có đất sản xuất, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, thống kê riêng các vụ tồn đọng, nhất là các vụ việc kéo dài, phức tạp, gắn với các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh để tập trung giải quyết theo quy định của pháp luật; tăng cường công khai, dân chủ, đối thoại với người dân theo quy định của Luật Khiếu nại; tạo được sự đồng thuận giữa các cấp các ngành trước khi ra quyết định; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ thực thi pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu tại địa phương...

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, tố cáo ngày càng phức tạp, không có dấu hiệu giảm, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Qua theo dõi 3 năm gần đây cho thấy, việc khiếu tố hàng năm đều giảm về số vụ, số người và số đơn nhưng tính chất có nhiều vụ việc phức tạp, gay gắt, thậm chí có những vụ việc manh động. Nguyên nhân của việc này là do cơ chế chính sách trong thời gian quan có bất cập; công tác chỉ đạo, thực hiện trách nhiệm giải quyết giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp có thẩm quyền chưa đến nơi đến chốn; ý thức người dân chưa cao...

Đồng thời, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng giải đáp những câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về biện pháp phòng ngừa tham nhũng; trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và để xảy ra tham nhũng trong đơn vị; sự phối hợp của ngành với cơ quan tiến hành tố tụng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật...; việc kê khai tài sản thu nhập đối với nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền và Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh.

* Tiếp tục hoàn thiện thể chế

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: các đại biểu đã hỏi vào trọng tâm các vấn đề, Tổng thanh tra đã trả lời thẳng thắn các câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn, nhất là các quy định phòng ngừa tham nhũng, xử lý sau kết luận thanh tra về các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng điều tra, xét xử, truy tố, kiểm toán, thi hành án, phát huy tinh thần đấu tranh của nhân dân, các cơ quan truyền thông, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát về đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các quyết định, kết luận của Thanh tra Chính phủ phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, có căn cứ pháp luật, đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải có trách nhiệm chuyển cơ quan điều tra để hoàn thiện quy trình theo đúng quy định của pháp luật...

Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Thanh tra Chính phủ cần sớm hoàn thiện về Nghị định hướng dẫn Luật tiếp công dân; phối hợp với các cấp các ngành giải quyết khiếu nại tố cáo, tránh tình trạng người dân tái khiếu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục xây dựng nghiên cứu, sửa đổi luật Thanh tra và các văn bản pháp luật tăng cường chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra; xây dựng lực lượng thanh tra trong sạch, vững mạnh, vừa có năng lực, phẩm chất nghiệp vụ tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo sự chuyển biến trong công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đáp ứng lòng mong mỏi của đồng bào cử tri cả nước...

Phúc Hằng
Cử tri kiến nghị Thanh tra CP quyết liệt cả hai mặt trận 'tham', 'lãng'
Cử tri kiến nghị Thanh tra CP quyết liệt cả hai mặt trận 'tham', 'lãng'

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sáng 12/6 đã thu hút đông đảo cử tri cả nước quan tâm, theo dõi qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp. Phóng viên TTXVN ghi nhận một số ý kiến của cử tri liên quan đến phiên chất vấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN