Xây dựng tài liệu hướng dẫn cho quy tắc đạo đức, ứng xử trong hoạt động tư pháp

Ngày 3/6, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng tài liệu hướng dẫn cho quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp và khuyến nghị cho Việt Nam.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải, Đại sứ Phái đoàn liên minh châu Âu Giorgio Aliberti và Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam Caitlin Wiesen đồng chủ trì Hội thảo.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho biết thực tiễn quốc tế và Việt Nam cho thấy chuẩn mực đạo đức, ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng của hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, việc cụ thể hóa các tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức và chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các chức danh tư pháp là những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp nhằm đạt được mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm chính phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, việc xây dựng và ban hành các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử trong lĩnh vực tư pháp dành cho thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư trong một vài năm trở lại đây là một thành công, thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan nhằm thúc đẩy liêm chính tư pháp. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy việc chưa có các tài liệu hướng dẫn và cơ chế giải thích chính thức cho các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử cũng làm hạn chế phần nào tính hiệu quả trong quá trình áp dụng các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử của các chức danh nêu trên.

Do đó, việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thực thi đúng và hiệu quả các nguyên tắc đạo đức được quy định, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của công chúng vào các hoạt động tư pháp và những người tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực này. Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương tin tưởng với sự tham gia tích cực của các chuyên gia có uy tín trong nước và quốc tế cũng như sự quan tâm chia sẻ ý kiến của các đại biểu, Hội thảo sẽ đem lại những kết quả thiết thực.

Chú thích ảnh
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Báo cáo tóm tắt cho thấy việc xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử trong lĩnh vực tư pháp là một thông lệ tốt và phổ biến trên thế giới cũng như tại một số khu vực và quốc gia. Việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thực thi đúng và hiệu quả các nguyên tắc đạo đức được quy định, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của công chúng vào các hoạt động tư pháp.

Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị về việc xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử trong lĩnh vực tư pháp của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần thiết xây dựng các tài liệu hướng dẫn cho các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử trong lĩnh vực tư pháp, cụ thể là các tài liệu hướng dẫn tương ứng cho các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử dành cho thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư. Việc xây dựng tài liệu hướng dẫn sẽ góp phần đảm bảo thực thi thống nhất và có hiệu quả các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử, giúp các tiêu chuẩn đạo đức trong lĩnh vực tư pháp của Việt Nam tiệm cận hơn với các tiêu chuẩn và thực tiễn tốt quốc tế.

Chú thích ảnh
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Các tài liệu hướng dẫn cho các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử không nên có giá trị áp dụng bắt buộc mà chỉ mang tính chất như một tài liệu hướng dẫn, giải thích, bình luận cho các nguyên tắc – một “công cụ mềm” để điều chỉnh nhận thức và hành vi của thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư; Kết cấu chính của tài liệu hướng dẫn nên bao gồm một số nội dung chính: giải thích về cơ sở ban hành nguyên tắc, lý do cần thiết, ý nghĩa của việc quy định và thực thi các nguyên tắc…

Việc xây dựng tài liệu hướng dẫn không tách rời việc tập huấn và đào tạo về đạo đức tư pháp cho thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư; Việc thành lập một Ủy ban đạo đức cũng nên được cân nhắc như một cơ chế giải thích chính thức nội dung của các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và khu vực...

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Kiên quyết đấu tranh với hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp
Kiên quyết đấu tranh với hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp

Trong năm 2021, nhiều vụ án về xâm phạm hoạt động tư pháp bị khởi tố, truy tố, trong đó người phạm tội là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp, những người được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng lại có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Đây là dấu ấn nổi bật của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, những người đã vượt lên những khó khăn, rào cản để điều tra, khởi tố, truy tố; cho thấy sự quyết liệt, dũng cảm trong việc đấu tranh đến cùng với tội phạm, ngay chính trong các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN