Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo Đại hội.
Dự Đại hội còn có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 334 đại biểu, đại diện cho hơn 95.000 đảng viên của 801 tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những nỗ lực cố gắng, thành tích đạt được của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân; thảo luận sâu, phân tích rõ về những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, đóng góp với Đại hội những chủ trương, giải pháp khắc phục một cách có hiệu quả để nhiệm kỳ tới Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Đề cập đến tư tưởng chủ đạo trong đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới, cơ bản đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2015-2020 đã nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Đại hội phân tích kỹ, sâu sắc những thuận lợi, khó khăn, gắn với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đưa ra những giải pháp khả thi, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để Phú Thọ thực sự trở thành trung tâm phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc bộ.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Phú Thọ cần quán triệt sâu sắc quan điểm xuyên suốt là "phát triển nhanh, bền vững", từ đó xây dựng cơ chế đột phá, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp xanh với hàm lượng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp hiện đại. “Phú Thọ cần chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tăng cường liên kết, phối hợp giữa các tỉnh trong vùng Tây Bắc và vùng Thủ đô; phát huy lợi thế vùng trung tâm đất Tổ, xây dựng Phú Thọ thành điểm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ của cả vùng; phát triển nhanh dịch vụ, nhất là phát triển du lịch, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ đạo Đảng bộ tỉnh Phú Thọ tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng; tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020, gồm các thành viên tiêu biểu về trí tuệ, năng lực và phẩm chất, đủ khả năng lãnh đạo thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ đề ra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại hội quan tâm đến tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ như tinh thần Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị; đồng thời lựa chọn những đại biểu đại diện xứng đáng cho ý chí, trí tuệ của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham quan Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2010 – 2015, do Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Hoàng Dân Mạc trình bày nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 5,87%; q uy mô nền kinh tế đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc; thu nhập bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng/người/năm (đứng thứ 3 trong số các tỉnh vùng Tây Bắc), tăng 77,4% so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đặc biệt, Phú Thọ đã thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển du lịch. Tỉnh đã huy động tổng số vốn trên 69 nghìn tỷ đồng, tăng hơn hai lần so với giai đoạn 2006 – 2010 để đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp gần 1.000 km đường, hoàn thành 7 cầu lớn. Hạ tầng đô thị, khu cụm công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn được tăng cường đầu tư, tạo diện mạo mới, góp phần đưa thành phố Việt Trì sớm trở thành đô thị loại I...
Công tác đào tạo nguồn nhân lực đạt kết quả quan trọng, tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 85,6% (bình quân vùng Tây Bắc là 73%). Kinh phí đầu tư từ ngân sách cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề tăng 64,3%; quy mô đào tạo tăng 35,5% so nhiệm kỳ trước. Hoạt động du lịch có bước phát triển khá, kết cấu hạ tầng du lịch được tăng cường đầu tư. Tổng nguồn vốn huy động phát triển du lịch tăng 3,5 lần; lượng khách đến tham quan, du lịch và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hàng năm đạt 6 - 7 triệu lượt; doanh thu du lịch tăng 17,9%/năm. Tỉnh đã xây dựng và bảo vệ thành công hai di sản văn hóa phi vật thể “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận và vinh danh, góp phần khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và tạo sự lan tỏa của không gian văn hóa vùng đất Tổ.
Trong nhiệm kỳ tới, Phú Thọ đề ra nhiệm vụ, mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ; phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc bộ. Theo đó, tỉnh tiếp tục xác định bốn khâu đột phá là đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và du lịch để kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng các khu công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê, Phù Ninh, Trung Hà; phát triển giao thông vận tải đường bộ kết nối các trung tâm kinh tế của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia; đầu tư hạ tầng dịch vụ, du lịch, phấn đấu từng bước đưa Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng. Bên cạnh đó, Phú Thọ quan tâm đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật cao, kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Địa phương cũng đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa quy trình, mỗi thủ tục rút ngắn tối đa thời gian giải quyết.
Tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp có trọng điểm, thu hút và phát triển các ngành có thế mạnh, sản phẩm mới có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao, công nghệ thân thiện môi trường; phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học và công nghệ cao, nông nghiệp xanh, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Với những giải pháp đưa ra, Phú Thọ phấn đấu giai đoạn 2015 - 2020, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 7,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,5 triệu đồng (tương đương 2.400 USD). Toàn tỉnh có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 124 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 57 xã đạt chuẩn); số hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm; phấn đấu đưa huyện Tân Sơn thoát nghèo...
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 -2020 kết thúc vào ngày 30/9.