Nhiều rủi ro và thách thức kép
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho rằng, công tác phòng chống thiên tai sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trên thế giới cũng đã có những bài học về “thảm họa kép” khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Xác định rủi ro, thách thức kép, ngay từ đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành văn bản hướng đẫn các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh. Tại Hội nghị về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai việc rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn, đặc biệt cần rà soát phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công văn số 60/TWPCTT ngày 11/5/2021 về việc chỉ đạo, rà soát, chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; công văn, công điện chỉ đạo ứng phó với các tình huống thiên tai cụ thể, đã yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai trong tình huống dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra.
Các tỉnh, thành phố đã chủ động, triển khai, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đối với công tác phòng chống, ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch bệnh. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp như phối hợp giữa cơ quan thường trực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và cơ quan thường trực phòng chống dịch COVID-19; rà soát phương án ứng phó thiên tai trong tình huống COVID-19 diễn biến phức tạp; công tác trực ban, tham mưu chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường; tổ chức sơ tán tại chỗ; tổ chức sơ tán tập trung; các hoạt động thông tin, truyền thông, thông tin hướng dẫn địa phương, cộng đồng.
Quyền Trưởng chương trình chính sách xã hội và quản trị Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam Nguyễn Thanh An cho biết, thiên tai và biến đổi khí hậu đã trở thành gánh nặng kép làm trầm trọng hơn tác động của COVID-19 đối với các hộ gia đình, đặc biệt hộ gia đình có trẻ em thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.
Cụ thể, hạn hán nghiêm trọng và xâm nhập mặn tại 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu nước sạch cho hầu hết các nhóm dân số thiệt thòi như gần 100 nghìn hộ thiếu nước uống và sinh hoạt an toàn trong đợt hán hán... Tất cả những yếu tố này thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của các hộ gia đình và trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra nghiêm trọng hơn.
Xây dựng kịch bản phù hợp
Việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch truyền thông phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 trước hết phải xác định thông tin phải đi trước một bước, phải nhanh hơn thiên tai, bão lũ, dịch bệnh.
Truyền thông 2 chiều cung cấp các kỹ năng, khuyến khích thực hành tích cực, thu nhận phản hồi để người dân sẵn sàng ứng phó và hạn chế tối đa tác động của thiên tai.
Việc lập kế hoạch truyền thông được xác định thành 5 bước: Thu thập số liệu sẵn có, phân tích tình hình, xác định mục tiêu, đối tượng truyền thông; xác định phương tiện, hình thức, kênh truyền thông; xác định nội dung, thông điệp truyền thông, rà soát, sử dụng tài liệu sẵn có; xác định ngân sách cho kế hoạch, chiến lược truyền thông; giám sát, điều chỉnh hoạt động, đánh giá, đo lường hiệu quả truyền thông.
Cùng với đó, phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh, người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai và dịch bệnh trong khu vực (thông báo về các điểm tránh trú an toàn, chủ động khai báo y tế, cách ly tại nhà); chuẩn bị vật dụng cần thiết phòng trường hợp phải sơ tán khi có thiên tai (khẩu trang, đồ ăn, nước sát khuẩn...).
Người dân sơ tán an toàn, vượt qua thách thức kép “thiên tai - dịch bệnh COVID -19” cần phải luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập trong quá trình sơ tán và tại nơi sơ tán; hạn chế chạm vào các bề mặt chung như mặt sàn, tay nắm cửa...; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay; sát khuẩn đồ đạc cá nhân bằng các chất tẩy rửa, dung dịch sát khuẩn; thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc người phụ trách quản lý khu sơ tán khi gặp người có dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19...
Chuyên gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai của UNICEF Việt Nam Lý Phát Việt Linh cho hay, trước thiên tai cần lưu ý công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và chuẩn bị ứng phó kịp thời như chuẩn bị phương án ứng phó 4 tại chỗ kết hợp với việc thực hiện 5K và chiến lược về vaccine phòng COVID-19.
Trong thiên tai, người dân cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp an toàn trong phòng chống thiên tai và COVID-19 như luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn...
Giai đoạn phục hồi sau thiên tai, người dân cần thực hiện việc hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch; tiếp tục quan tâm đến việc truy vết đối tượng mắc COVID-19, rút kinh nghiệm, hoàn thiện các kịch bản, kế hoạch...
Bác sĩ Nguyễn Công Sinh, Nguyên Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế chia sẻ, khi xây dựng kế hoạch cần quan tâm đến giai đoạn phòng ngừa trước thiên tai như điều chỉnh kế hoạch phù hợp với bối cảnh thực tiễn; bổ sung dự trữ phương tiện, vật tư; đào tạo, huấn luyện, tập huấn; tăng cường truyền thông; tăng sức miễn dịch cộng đồng.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cần có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng; danh sách các tổ và phương án thay thế, bổ sung nhân sự, danh sách đối tượng yếu thế, các trường hợp F0, F1, F2, khai báo y tế và phương án đi chuyển đến khu sơ tán, khu cách ly y tế; sơ đồ bố trí khu sơ tán, khu cách ly, kho, các công trình, danh sách các phương tiện huy động, nhu cầu huấn luyện, đào tạo, tập huấn, diễn tập; nhu cầu bổ sung vật chất (số lượng, chủng loại); dự toán kinh phí...
Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nhân Nghĩa khẳng định, ban đã xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch COVID-19 phù hợp với điều kiện thực tế gửi các sở, ngành, các quận... Hiện ban cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc nỗ lực phòng chống dịch bệnh và chủ động các phương án phòng tránh trước mùa mưa bão.
Các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19.