Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, nghiêm minh, liêm chính

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Chú thích ảnh
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) do Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày đã nêu rõ mục đích xây dựng dự án Luật. Theo đó, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật gồm 151 Điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều.

Dự thảo Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, tập trung vào những nội dung lớn như: Quy định nội hàm quyền tư pháp; về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; về hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia để bảo đảm độc lập tư pháp; đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử…

Làm rõ nội hàm quyền tư pháp

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga - đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 với lý do Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao đã nêu. Dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Về nội hàm quyền tư pháp (khoản 1 Điều 2), dự thảo Luật quy định: “Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.

Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc làm rõ nội hàm quyền tư pháp là cần thiết, nhưng đây là vấn đề lớn, đặc biệt quan trọng, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác. Vì vậy, chưa nên quy định vấn đề này trong dự thảo Luật, mà chỉ nên quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp.

Loại ý kiến thứ hai tán thành cần quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật, vì làm rõ được nội hàm quyền tư pháp sẽ là cơ sở để quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, lần đầu tiên khái niệm quyền tư pháp được quy định trong Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001, trong đó quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định chủ thể thực hiện quyền tư pháp là Tòa án nhân dân tối cao.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, nội hàm của quyền tư pháp như thế nào cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong các văn bản luật cũng như trong văn kiện của Đảng. Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” chỉ yêu cầu: “Xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, mà không yêu cầu làm rõ nội hàm quyền tư pháp. Đây là vấn đề lớn, không chỉ liên quan đến hoạt động của các Toà án nhân dân trong tổng thể hoạt động các cơ quan tư pháp mà rộng hơn là các cơ quan trong hệ thống chính trị. Luật Tổ chức Quốc hội không quy định nội hàm quyền lập hiến, quyền lập pháp; Luật Tổ chức Chính phủ cũng không quy định nội hàm quyền hành pháp.

Cho rằng nếu quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật sẽ là một bước tiến lớn nhưng đây là vấn đề hết sức quan trọng, còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, lập luận rõ, đầy đủ, có lý lẽ thuyết phục để báo cáo Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.

Tán thành với loại ý kiến thứ nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định về quyền tư pháp trong dự thảo Luật là quá rộng, bao hàm nhiều khái niệm như: xét xử, phán quyết, giải thích áp dụng pháp luật… Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa giải thích các thuật ngữ này. Nếu bổ sung quy định này thì phải bổ sung giải thích thuật ngữ trong dự thảo Luật.

Giải trình tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Nghị quyết 27-NQ/TW quy định: làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Tòa án để thực hiện đầy đủ quyền tư pháp. Trong Hiến pháp cũng đặt ra quyền tư pháp nhưng từ năm 2013 đến nay, không làm rõ quyền tư pháp là gì. Do đó, với lần sửa đổi Luật lần này rất cần thiết làm rõ quyền tư pháp.

"Đây là cơ hội, còn quy định như thế nào cho đủ, cho đúng thì cần cùng nhau bàn", Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh.

Phan Phương (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội chủ trì họp về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội chủ trì họp về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Sáng 19/8, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao (Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp của Lãnh đạo Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN