Ông Vũ Mạnh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu nhấn mạnh, Nghị quyết số 33-NQ/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; nhiều tập thể và cá nhân đã tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu.
Ông Vũ Mạnh Hà đề nghị, các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch của tỉnh về phát triển văn hóa, con người; quan tâm bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Cùng đó, các đơn vị, địa phương triển khai nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Lai Châu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh Lai Châu có bước phát triển và đạt được những kết quả nổi bật. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có 86% hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 74,7% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 94,1% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 39/94 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9/12 phường, thị trấn đăng ký xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 85% gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang...
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được tỉnh được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh lưu giữ 34.909 hiện vật, tổ chức 29 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể, hỗ trợ khôi phục, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa đặc sắc; phối hợp lập hồ sơ khoa học đối với 2 Di sản Văn hóa phi vật thể, đề nghị UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... Đến nay, toàn tỉnh có 32 di tích (27 di tích cấp tỉnh, 5 di tích cấp quốc gia).
Từ năm 2014 - 2024, Lai Châu huy động, phân bổ được gần 496 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, hoàn thiện phát triển hạ tầng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh. Lực lượng làm công tác văn hóa được xây dựng và trưởng thành. Môi trường văn hóa được xây dựng và thực hiện đồng bộ, rộng khắp trong cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư.
Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới, Lai Châu đề ra mục tiêu chung là: xây dựng văn hóa và con người Lai Châu phát triển toàn diện về chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; xây dựng các giá trị con người Lai Châu với các phẩm chất cơ bản: “Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; có ý thức tự chủ, tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, tôn trọng và chấp hành pháp luật”.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những cách làm hay, giải pháp trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW như: đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; phát huy vai trò của công tác quản lý báo chí và các loại hình thông tin, mạng xã hội, góp phần định hướng tư tưởng cho nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu nhi trong quá trình xây dựng nhân cách, lối sống, xây dựng văn hóa, con người Lai Châu trong những năm qua…
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu trao Bằng khen tặng 25 tập thể, 33 cá nhân, 6 hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW, giai đoạn 2014 - 2024.