Việt Nam sẽ đồng hành với thế giới ngừng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF6), chiều 26/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm việc với Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - ông Erik Solheim, về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Quang cảnh Phiên họp Hội đồng GEF lần thứ 54. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Qua đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nêu rõ quan điểm Việt Nam sẽ đồng hành với thế giới ngừng sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã bày tỏ sự vui mừng khi ông Erik Solheim tham dự tại GEF6, cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UN Environment) nói chung và của cá nhân ông Erik Solheim nói riêng đối với Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian qua. UN Environment đã hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, chuyên gia tư vấn trong việc xây dựng luật và chính sách môi trường, cung cấp học bổng về môi trường để đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi trường của Việt Nam, hỗ trợ các dự án, chương trình về môi trường…

Tổng Giám đốc điều hành UN Environment - ông Erik Solheim cho biết, ông và các cộng sự sẽ đưa nội dung thảo luận với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc vào các nội dung hoạt động của UN Environment tại GEF 6 lần này.

Cũng tại buổi làm việc, ông Erik Solheim đã trao đổi về bản sửa đổi bổ sung Kigali về loại trừ dần các chất HFC (chất có tiềm năng nóng lên toàn cầu cao) được các nước thành viên thông qua vào tháng 10/2016. Bản sửa đổi này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 tới với điều kiện ít nhất có 20 quốc gia thành viên Nghị định thư Montreal phê chuẩn. Ông Erik Solheim cho biết, hiện đã có 38 nước phê chuẩn vào Bản sửa đổi, bổ sung Kigali này. Như vậy, Bản sửa đổi bổ sung sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019 tới.

Bên cạnh đó, hai bên đã bàn về quan điểm của mỗi bên đối với vấn đề rác thải biển trong bối cảnh rác thải nhựa đại dương là vấn đề toàn cầu, Việt Nam rất có trách nhiệm để chung tay cùng thế giới giải quyết thách thức này. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thông tin đến Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về việc Việt Nam đang dần chuyển sang mô hình mới về tăng trưởng và phát triển kinh tế dựa trên nền kinh tế tuần hoàn.


Theo đó, Việt Nam sẽ đồng hành với thế giới ngừng sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, các sản phẩm từ nhựa không thể tái chế hoặc tái sử dụng. Tiến tới sẽ từ chối những sản phẩm này, vì hiện nay các quốc gia khác đã áp dụng mức thuế đối với túi nhựa. Điều này đã làm giảm 90% mức sử dụng và Việt Nam sẽ khẩn trương ban hành các quy định tài chính như vậy.

Để đạt được sự thay đổi này, đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan; cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo để khẩn trương thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào mô hình mới này, bao gồm cả việc cải tiến thiết kế các sản phẩm nhựa ít gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Đây cũng là cơ hội kinh doanh lớn cho Việt Nam, một nước xuất khẩu nhựa lớn trên thế giới.

Nguyễn Sơn (TTXVN)
Kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu: Chung tay bảo vệ đại dương
Kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu: Chung tay bảo vệ đại dương

Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF6) diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 23-29/6/2018, sáng 26/6, tại bờ biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng, đơn vị liên quan tổ chức Chương trình “Chung tay bảo vệ đại dương”, hưởng ứng một trong những chủ đề của Kỳ họp lần này, đó là khắc phục các mối đe dọa môi trường do ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN