Việt Nam phấn đấu xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em

Việt Nam sẽ sớm đạt mục tiêu xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bày tỏ tin tưởng tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6), do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 10/6, tại Hà Nội.

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội về các chiến dịch chấm dứt lao động trẻ em trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao giải Nhất cuộc thi vẽ tranh về chống lao động trẻ em cho em Lý Thị Vang, lớp 5B, Trường Tiểu học Lao Chải (Lào Cai). Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN


Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Vấn đề lao động trẻ em không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Việc ngăn ngừa, giải quyết vấn đề lao động trẻ em cũng không chỉ bằng một biện pháp, một chính sách đơn lẻ mà đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể về xóa bỏ lao động trẻ em và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng trong nước và quốc tế.

Theo thống kê của ILO, trên thế giới hiện có 115 triệu trẻ em đang làm việc trực tiếp trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trong đó có khoảng 25 nghìn trẻ em Việt Nam. Với chủ đề "Cảnh báo! Trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - Hãy chấm dứt lao động trẻ em!", Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em hướng tới kết nối các hoạt động của quốc gia và địa phương với các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên khắp thế giới để tạo nội lực và đẩy mạnh phong trào toàn cầu phòng chống bóc lột lao động trẻ em; kêu gọi những hành động cấp bách để giải quyết vấn nạn này.

Tại Việt Nam, sau hơn 10 năm thực hiện các chính sách, chương trình can thiệp, trợ giúp trẻ em, trên 42 nghìn lượt trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại đã được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau như hỗ trợ hồi gia, trở lại trường học, tiếp cận với các dịch vụ y tế, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình nhằm ổn định về sinh kế và tăng thu nhập.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát động chiến dịch 5.000 chữ ký cam kết hành động hướng tới mục tiêu 5.000 trẻ em được ra khỏi điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ban tổ chức cũng đã trao giải thưởng cho các em đoạt giải trong cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "Cảnh báo! Trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - Hãy chấm dứt lao động trẻ em!".

Việt Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN