Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc thông qua Chương trình nghị sự sau năm 2015. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Thưa ngài Chủ tịch,
Thưa các quý vị,
Tôi rất vinh dự được tham gia cùng các vị lãnh đạo thế giới tại sự kiện này để cùng nhìn lại quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, để từ đó rút ra những gợi mở cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững hiện nay.
Chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của các Mục tiêu Phát triển bền vững. Những nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước đây đã tạo dựng cho chúng ta một nền tảng tốt. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp với quy mô và mức độ chưa từng có.
Sáng kiến Đối thoại toàn cầu do Nhóm Phát triển của Liên hợp quốc (UNDG) triển khai tại hơn 80 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã giúp chúng ta xây dựng một Chương trình nghị sự thực sự phản ánh nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Bây giờ là lúc chúng ta cần cùng nhau hành động để đưa Chương trình nghị sự mới này vào cuộc sống. Những kinh nghiệm trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ sẽ gợi mở cho chúng ta cách thức hành động thời gian tới.
Việt Nam đã đạt trước thời hạn hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu xét đến xuất phát điểm của Việt Nam là một nước nhiều thập kỷ bị chiến tranh tàn phá. Việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở Việt Nam đạt kết quả quan trọng là đã đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của nhân dân chúng tôi về thu nhập, việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh.
Trong 15 năm qua, chúng ta đã học được nhiều bài học giá trị. Một số bài học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Chương trình nghị sự 2030 và cuộc thảo luận ngày hôm nay của chúng ta.
Thứ nhất, cần có sự cam kết chính trị từ cấp cao nhất với sự tham gia hiệu quả và có sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả từ tất cả các bộ, ngành. Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào các chính sách và pháp luật của mình. Các Mục tiêu này cũng được chuyển thành các Mục tiêu Phát triển của Việt Nam (VDGs) để phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam. Nhờ đó, chúng tôi có thể huy động sức mạnh của toàn Chính phủ trong nỗ lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu toàn cầu.
Thứ hai, thành công của chúng tôi là nhờ có được môi trường hòa bình và ổn định. Sự ổn định về chính trị, kinh tế và xã hội của Việt Nam là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và việc thực hiện thành công các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Thứ ba, chúng tôi coi phát triển là một quá trình của dân, do dân và vì dân, và mục đích cuối cùng của mọi nỗ lực phát triển là phát triển con người. Chúng tôi nhận thức được rằng cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân, kể cả từ cấp cơ sở, trong việc xây dựng các chính sách và chương trình phát triển lớn.
Và quan trọng hơn, những thảo luận và các cam kết của chúng ta trong việc đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu sẽ giúp chúng ta huy động được tối đa sự ủng hộ của người dân. Chúng tôi tin rằng các nguồn lực tài chính và vật chất có thể là hạn chế, nhưng năng lực và tiềm năng của con người là vô hạn.
Thứ tư, chúng tôi cũng sẽ không thể thành công nếu không có sự hợp tác chặt chẽ với hệ thống LHQ và các đối tác phát triển khác. Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan LHQ và các nhà tài trợ. Mối quan hệ đối tác ba bên giữa Chính phủ Việt Nam, LHQ và nhà tài trợ chính là dấu ấn riêng của Việt Nam trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt là với việc thực hiện sáng kiến “Thống nhất hành động” nhằm giúp cho các cơ quan LHQ hoạt động gắn kết hơn, phối hợp tốt hơn và hiệu quả hơn.
Do các Mục tiêu Phát triển bền vững có tính toàn diện và liên hệ chặt chẽ với nhau, hệ thống LHQ cần trở nên gắn kết và mạnh mẽ hơn. Chúng tôi trông đợi hệ thống LHQ sẽ hành động một cách thống nhất để hỗ trợ chúng tôi trong việc lồng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững vào các chiến lược và chính sách phát triển bền vững của Việt Nam, trong việc đạt được các ưu tiên phát triển của chúng tôi, đặc biệt thông qua việc tư vấn chính sách một cách đồng bộ, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đóng góp vào việc làm cho hệ thống LHQ hoạt động tốt hơn theo hướng này.
Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh bốn nhân tố giúp thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững, đó là cam kết chính trị ở cấp cao, môi trường hòa bình và ổn định để phát triển, vai trò của người dân là người chủ, người thực hiện và người hưởng lợi của các nỗ lực phát triển, và một mối quan hệ đối tác toàn cầu mạnh mẽ vì phát triển bền vững mới mục tiêu không để một ai bị bỏ lại phía sau.