Thưa Giáo sư, trong khi Mỹ, một đồng minh của Nhật Bản, dường như đi theo hướng thúc đẩy các FTA song phương và rút khỏi TPP thì Nhật Bản đã nỗ lực thúc đẩy thành công thoả thuận đa phương CPTPP. Phải chăng mục tiêu của Nhật Bản chỉ đơn thuần là để phát triển kinh tế?Tất nhiên, phát triển kinh tế là một mục tiêu. Chính phủ Nhật Bản dự đoán TPP có 11 thành viên sẽ giúp GDP của Nhật Bản tăng 1,49% . Nếu TPP có 12 thành viên, bao gồm cả Mỹ, con số này sẽ là 2,49%. Như vậy, thiếu Mỹ, mức độ cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giảm chút ít song 1,49% vẫn là một con số khá lớn.
Giáo sư Koichi Ishikawa tại Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học châu Á. |
Hiện tại, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản ở mức thấp, tôi có thể nói rằng việc TPP 11 thành viên ra đời giúp cho GDP của Nhật Bản tăng 1,49% là hiệu quả lớn mà hiệp định này đem đến cho kinh tế Nhật Bản.
Tuy nhiên, ngoài mục tiêu kinh tế, Chính phủ Nhật Bản còn có nhiều mục tiêu khác. Mục tiêu đầu tiên tạo ra TPP với tư cách là siêu hiệp định tự do thương mại đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút khỏi TPP, chỉ còn 11 thành viên song vẫn là một hiệp định tự do thương mại khổng lồ của khu vực.
Trong tương lai, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực phát triển nhất thế giới vì vậy việc trở thành một khu vực tự do thương mại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong tương lai, khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) sẽ được thành lập. Điều này đã trở thành mục tiêu của APEC. Vì vậy, TPP 11 ra đời, sẽ trở thành cơ sở, tiêu chuẩn cho FTAAP.
Mục tiêu thứ hai là TPP 11 ban hành nhiều quy định mới. Đó là các quy định trong lĩnh vực thương mại điện tử, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp quốc doanh… Những quy định mới được ban hành trong TPP 12 thành viên trước đây mặc dù có một phần bị tạm dừng song phần lớn đã được bảo lưu trong TPP11.
Chính vì vậy, TPP 11 được gọi là thỏa thuận tự do thương mại (FTA) của thế kỷ 21. Tôi cho rằng TPP 11 sẽ trở thành kiểu mẫu của FTA thế giới trong tương lai. Tôi nghĩ đây là mục tiêu rất quan trọng.
Mục tiêu thứ ba là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ngay lập tức ông tuyên bố rút khỏi TPP, yêu cầu đàm phán lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), đòi đánh thuế cao… với chủ trương thực hiện chính sách chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Cụ thể là mới tuần trước, trong khuôn khổ luật mở rộng thương mại, Chính phủ Mỹ đã áp thuế 25% đối với các sản phẩm thép và 10% đối với các sản phẩm nhôm, tôi cho rằng Mỹ đang thực hiện chính sách mang tinh chất chủ nghĩa bảo hộ một cách mạnh mẽ. Vì vậy, TPP 11 có thể sẽ là công cụ hiệu quả để ngăn chặn tình trạng lan rộng các chính sách bảo hộ của Mỹ. Đây cũng là một mục tiêu quan trọng của TPP.
Với những mục tiêu trên, Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực để thúc đẩy thành công TPP 11.
Theo Giáo sư, Việt Nam nằm ở đâu trong chiến lược CPTPP của Nhật Bản, thưa ông, và triển vọng hợp tác Việt-Nhật trong triển khai CPTPP là như thế nào?Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế lớn trong ASEAN cả về phương diện thương mại và đầu tư. Tôi cho rằng trong khuôn khổ ASEAN, kim ngạch thương mại và đầu tư của Việt Nam đứng vào nhóm đầu khu vực. Vì vậy, Việt Nam là một quốc gia có vai trò rất quan trọng trong chiến lược CPTPP của Nhật Bản. Tôi cho rằng chính phủ Nhật Bản rất mong đợi vai trò Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy vai trò TPP 11 trong tương lai.
Trong Diễn đàn APEC tổ chức vào tháng 11/2017 năm 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà, đã phối hợp với Nhật Bản để thúc đẩy hoàn tất TPP. Tôi cho rằng Việt Nam đã đóng vai trò rất lớn trong tiến trình này.
Trong tương lai, việc Việt Nam sớm phê chuẩn và thông qua TPP 11 sẽ có hiệu quả khuyến khích rất lớn đối với các quốc gia khác muốn tham gia TPP 11, chẳng hạn như các nước trong ASEAN, tăng sức thuyết phục các nước ASEAN. Trong tiến trình hợp tác với Nhật Bản để mở rộng TPP 11, tôi tin rằng Việt Nam đóng vai trò rất lớn.
Giáo sư đánh giá thế nào về tiềm năng của TPP 11 trong tương lai?
Một điều quan trọng của TPP 11 chính là mục tiêu tương lai của TPP 11, đó là FTAAP. Tôi cho rằng cần thiết phải xác định chắc chắn mục tiêu của thỏa thuận này là tạo ra khu vực tự do thương mại cho châu Á – Thái Bình Dương. Khi TPP còn 12 thành viên, có Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Đài Loan đã bày tỏ mong muốn gia nhập thỏa thuận này.
Rõ ràng mong muốn gia nhập TPP lúc đó là do sự hấp dẫn của thị trường lớn như Mỹ, muốn xuất khẩu sang Mỹ, vì thế số quốc gia và vùng lãnh thổ muốn gia nhập TPP 12 khá nhiều. Vì vậy, mở rộng TPP 11 là việc rất quan trọng, Nhật Bản và Việt Nam cần phối hợp với nhau để thực hiện mục tiêu này. Việc thuyết phục các quốc gia khác gia nhập TPP 11 là việc cần thiết.
Tuy nhiên, khi thiếu vắng Mỹ, tôi cho rằng khó mà nói rằng các nước khác có muốn gia nhập hay không. Vì vậy, tôi cho rằng cần thiết tạo ra sự khuyến khích để Mỹ quay lại với TPP. Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong lần phỏng vấn và dự Diễn đàn kinh tế Davos hồi tháng 1, đã nói rằng đang xem xét khả năng Mỹ trở lại với TPP song chưa đề cập đến chi tiết. Vì vậy, vẫn có điểm chưa rõ trong việc liệu Mỹ có quay lại TPP hay không. Dù sao đi chăng nữa, điều quan trọng là Tổng thống Trump đã nói ra điều đó.
Một trong những kỳ vọng nữa sau khi TPP 11 được phê chuẩn là đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) có tiến triển. Đàm phán RCEP bắt đầu từ năm 2013, đến nay đã được 5 năm song vẫn chưa kết thúc. RCEP có nhiều thành viên trong đó có cả Ấn Độ, Lào, Myanmar.
Đàm phán RCEP đã tốn khá nhiều thời gian song tôi nghĩ nhờ vào việc TPP đã hoàn tất mà các nhà đàm phán sẽ có suy nghĩ rằng cần hoàn thành đàm phán RCEP trong năm nay. Nhật Bản đã thúc đẩy để hoàn tất được việc ký kết TPP 11, tôi cho rằng mục tiêu tiếp theo của Nhật Bản là RCEP. Năm 2017, Nhật Bản cũng đã hoàn tất Hiệp định đối tác thương mại (EPA) với Liên minh châu Âu. Chủ đề lớn tiếp theo sẽ là RCEP.
Xin cám ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn.