Hội nghị là diễn đàn hợp tác đa phương với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ và 2 tổ chức quốc tế là Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB).
Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an cho biết: Việt Nam chịu áp lực lớn bởi nguồn cung ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” lân cận. Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, hoạt động phạm tội về ma túy ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương và trên thế giới cũng có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam.
Với quan điểm phòng ngừa và ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm, từ nơi xuất phát, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các nước có chung đường biên giới, gắn kết hợp tác với các nước trong ASEAN. Việt Nam đánh giá cao những kinh nghiệm về kiểm soát ma túy, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống ma túy của Hoa Kỳ và các nước phát triển trong khu vực. Việt Nam hy vọng tiếp tục phối hợp với các nước nhằm nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin nghiệp vụ; trang thiết bị, cơ sở vật chất cho lực lượng phòng, chống ma túy của các nước trong thời gian tới.
Hội nghị quốc tế phòng, chống ma túy khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm phiên toàn thể và các phiên thảo luận nhóm. Các đại biểu cùng đánh giá về tình hình, diễn biến mới nổi của tội phạm ma túy trong khu vực; khó khăn, vướng mắc và giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trước phương thức vận chuyển ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt; tổng kết một số chuyên án điển hình về ma túy. Các đại biểu cũng cập nhật, trao đổi tình hình ma túy liên quan đến các nước trong nhóm; trao đổi, cung cấp danh sách, hồ sơ các đối tượng phạm tội về ma túy, đối tượng truy nã đang lẩn trốn tại các nước trong nhóm và đề nghị xác minh, bắt giữ.
Phần thảo luận tập trung về khả năng đấu tranh các chuyên án chung, triển khai các hoạt động điều tra chung, nâng cao hiệu quả tác chiến xuyên quốc gia, phối hợp phá án, tổ chức hỏi cung bị can... Hoạt động phối hợp nhằm bắt giữ cả đường dây, bao gồm các đối tượng vận chuyển và các đối tượng chỉ huy, cầm đầu. Các đại biểu đến từ các quốc gia, tổ chức cũng chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm rút ra trong quá trình phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy liên quan đến các nước.
Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hằng năm Hoa Kỳ có hơn 100.000 người thiệt mạng do các nguyên nhân liên quan đến ma túy. Phòng, chống tội phạm ma túy không chỉ là công việc của mỗi quốc gia, mà phải có sự hợp tác giữa các quốc gia liên quan. Qua Hội nghị, các nước có cơ hội chia sẻ nhiều hơn thông tin liên quan đến tiền chất ma túy, những cách thức mà tội phạm sử dụng để sản xuất ma túy, giải pháp chống các tổ chức tội phạm xuyên biên giới.
Theo ông John P.Scott, Trưởng đại diện Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, để giải quyết hiệu quả vấn đề ma túy, xây dựng các cộng đồng an toàn hơn, các quốc gia cần tăng cường hợp tác trong tập huấn, những chiến dịch chung. Tại Hội nghị, đại diện các quốc gia sẽ thảo luận rất cụ thể về thách thức, cơ hội để tận dụng thế mạnh của mỗi nước trong hợp tác chống tội phạm. Sự kết nối xuyên quốc gia là rất quan trọng để chống lại các tổ chức tội phạm ma túy xuyên biên giới. Đó chính là thông điệp của Hội nghị lần này.
Đây là lần thứ hai Việt Nam và Hoa Kỳ phối hợp đăng cai tổ chức Hội nghị Mini - IDEC. Điều này thể hiện vai trò và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong giải quyết vấn đề ma túy toàn cầu đối với khu vực Viễn Đông nói chung và với Hoa kỳ nói riêng, góp phần nâng cao vị thế và cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong hợp tác về phòng, chống ma túy ở khu vực cũng như trên thế giới.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên là một thị trường mà các tổ chức tội phạm nhắm tới. Thị trường tội phạm ma túy ngày càng liên kết chặt chẽ và đa dạng hóa hoạt động sản xuất, mua bán trái phép. Các băng nhóm tội phạm triệt để lợi dụng không gian mạng, các phương thức thương mại điện tử và những sơ hở trong công tác kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa các quốc gia để gia tăng các hoạt động phạm tội, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực đời sống, xã hội.
Theo số liệu của Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc, số người sử dụng ma túy tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trên toàn thế giới, từ 240 triệu người năm 2011 lên 296 triệu người năm 2023 (tương đương 5,8% dân số toàn cầu trong độ tuổi từ 15 - 64). Trong khi đó, công tác điều trị cho người nghiện và người sử dụng ma túy vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế, đặc biệt là điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp. Tội phạm, tệ nạn ma túy đang là thách thức với tinh thần thượng tôn pháp luật, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, tiếp tục là mối nguy hại cho cộng đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân...