Chủ đề thảo luận của diễn đàn lần này là: Một thập kỷ hành động mới cho IPU và các nghị viện về sự tham gia của thanh niên.
Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đinh Công Sỹ cho biết, là quốc gia có dân số trẻ, Việt Nam rất coi trọng thúc đẩy sự phát triển của thanh niên. Năm 2020, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định về quyền, trách nhiệm của thanh niên; chính sách của Nhà nước và quản lý nhà nước về thanh niên. Mỗi nhiệm kỳ càng có nhiều đại biểu trẻ được bầu; Việt Nam luôn khuyến khích các đại biểu trẻ tuổi tham gia vào hoạt động của Quốc hội.
Dấu mốc nổi bật là năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập Nhóm nghị sỹ trẻ. Hiện nay nhóm bao gồm 131 nghị sỹ trẻ dưới 45 tuổi, chiếm 26% tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV, hướng tới mục tiêu kết nối các đại biểu trẻ, tăng cường sự tham gia và đóng góp vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã tham gia thảo luận về các vấn đề trong việc xây dựng luật, cung cấp quan điểm, góc nhìn của thanh niên và phân tích tác động chính sách đối với thanh niên.
Nhiều đại biểu Quốc hội trẻ tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách có thể ảnh hưởng đến thanh niên. Nhiều ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội trẻ tuổi đã được tiếp thu vào luật, chính sách của Nhà nước. Vì vậy, việc thúc đẩy trao quyền và sự tham gia của thanh niên vào hoạch định chính sách, pháp luật và đào tạo thanh niên trở thành những người lãnh đạo hiệu quả, mở ra không gian cho thanh niên trong các hoạt động chính trị là rất quan trọng.
Các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại tại các tổ chức nghị viện trẻ quốc tế và khu vực. Năm 2020, Quốc hội Việt Nam đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ đầu tiên của Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), được đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của AIPA.
"Chúng tôi cũng tham dự các diễn đàn của các nghị sỹ trẻ IPU mà tại đó các cuộc thảo luận và trao đổi quan điểm giữa các đại biểu diễn ra rất sôi nổi. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc các đại biểu tăng cường hợp tác và thảo luận về các biện pháp khôi phục rất quan trọng và thiết thực. Việt Nam nỗ lực hết mình thực hiện mục tiêu “kép” vừa ngăn chặn COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế", ông Đinh Công Sỹ nói.
Việt Nam đang tiến rất gần đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2021. Về độ tuổi bầu cử và ứng cử, bản Hiến pháp hiện hành của Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua vào năm 2013 và các luật khác có liên quan như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thông qua năm 2015 quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Trong số 867 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, có 224 người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), chiếm 25,81%, độ tuổi bình quân là 46. Những ngày gần đây, các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đang được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước. Các cuộc vận động bầu cử được bảo đảm tổ chức công bằng, đúng quy định và có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Bầu cử các cấp. Đây là dịp vai trò giám sát và quyền dân chủ của cử tri được phát huy mạnh mẽ.
"Chúng tôi rất vinh dự được chia sẻ với các bạn về sự tham gia của đại biểu Quốc hội trẻ vào các hoạt động của Quốc hội Việt Nam với những dấu mốc quan trọng trong 10 năm qua cũng như cập nhật những thông tin về cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam dự kiến diễn ra vào ngày 23/5/2021 với hơn 25% ứng viên đại biểu Quốc hội dưới 40 tuổi", ông Đinh Công Sỹ nhấn mạnh.