Tại Hội đàm, Thứ trưởng Tô Anh Dũng chào mừng Quốc vụ khanh Nigel Adams lần đầu tiên đến Việt Nam, đánh giá cao sự phát triển sâu rộng của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh. Quốc vụ khanh Adams khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Anh tại khu vực; bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng… trong bối cảnh Anh điều chỉnh chính sách hướng đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng đề nghị, trên tinh thần đối tác chiến lược, Anh tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vaccine cũng như cung cấp các thiết bị y tế như máy thở, bộ kit xét nghiệm nhanh để giúp Việt Nam sớm vượt qua đợt bùng phát của dịch COVID-19.
Hai bên nhất trí thúc đẩy các cuộc tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai bên cả trực tiếp và trực tuyến, sớm nối lại các hoạt động trao đổi đoàn thường xuyên và các cơ chế hợp tác chủ chốt, trong đó có Đối thoại chiến lược - an ninh - quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Về hợp tác kinh tế, hai bên nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ để quảng bá và tận dụng các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) nhằm tạo đột phá về trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực có tiềm năng lớn như kinh tế số, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, phát triển năng lượng tái tạo…
Hai bên đánh giá cao, nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực (2020-2021) và trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM). Quốc vụ khanh Nigel Adams cảm ơn và mong Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Anh trong nỗ lực trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN, cũng như trong đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng phối hợp để bảo đảm thành công của Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu mà Anh đăng cai tổ chức tháng 11/2021.
Hai bên cũng trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình tại Biển Đông, đề cao luật pháp quốc tế, trong đó coi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là “Hiến chương về biển và đại dương” và là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương.