Tại đây, Việt Nam đề cao vai trò của phụ nữ trong gìn giữ và xây dựng hòa bình, nhấn mạnh cần tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Giám đốc Điều hành của Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) Sima Sami Bahous, Đặc phái viên của Liên minh châu Phi về WPS Bineta Diop, đại diện một tổ chức phi chính phủ cùng hơn 37 nước thành viên LHQ đã tham gia và phát biểu.
Tổng Thư ký LHQ Guterres nhấn mạnh sự mất cân bằng quyền lực giữa nam và nữ vẫn còn tồn tại và tồn tại dai dẳng nhất trong tất cả các bất bình đẳng. Để giải quyết thực trạng này, ông Guterres cho rằng HĐBA cần hỗ trợ thúc đẩy quan hệ đối tác giữa LHQ với các nhà lãnh đạo nữ và mạng lưới địa phương của họ phù hợp với Lời kêu gọi hành động về chuyển đổi vì hòa bình, an ninh cho phụ nữ. Ngoài ra, HĐBA cũng cần bảo vệ những người bảo vệ quyền của phụ nữ, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ trong các cuộc đàm phán, xây dựng hòa bình và hệ thống chính trị trong giai đoạn chuyển đổi.
Các nước thành viên HĐBA đều cho rằng sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình gìn giữ và xây dựng hòa bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng và nhấn mạnh cần tiếp tục xóa bỏ các rào rản đối với phụ nữ trong tiến trình này cũng như nghiêm túc thực hiện đầy đủ và toàn diện các trụ cột của chương trình nghị sự Phụ nữ với Hòa bình và An ninh (WPS) ở cấp quốc gia và khu vực. Các nước cũng chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp để HĐBA, các cơ quan khác của LHQ, các tổ chức khu vực và các đối tác phát triển hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng của xung đột tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các vấn đề gìn giữ và xây dựng hòa bình.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh cần coi trọng kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết và chuyên môn của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả hòa bình và an ninh, xóa bỏ những rào cản, tạo sự chuyển đổi để phụ nữ là đối tác bình đẳng ngay từ giai đoạn đầu trong mỗi tiến trình hòa bình và chính trị. Quyền, lợi ích và nhu cầu của phụ nữ cần được bảo đảm và thúc đẩy ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Phụ nữ cũng cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để tham gia có ý nghĩa vào mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội và kinh tế.
Về thực hiện chương trình nghị sự WPS, Đại sứ khẳng định đây là trách nhiệm của các quốc gia thành viên, theo đó, các quốc gia cần có những hành động cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo vai trò của phụ nữ được lồng ghép trong các khuôn khổ pháp lý, chính sách, chiến lược và sáng kiến về hòa bình và an ninh ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Cộng đồng các nhà tài trợ cần thực hiện cam kết dành tối thiểu 15% vốn ODA cho việc thúc đẩy bình đẳng giới ở các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Đại sứ khẳng định việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Với kiến thức, trí tuệ, lòng khoan dung và sự hiểu biết của mình, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy nền văn hóa hòa bình, giáo dục thanh niên biết quý trọng hòa bình, đẩy lùi chiến tranh. Nhân dịp này, Đại sứ cũng nêu bật chính sách và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực vừa nêu cũng như đóng góp của nữ sĩ quan quân đội Việt Nam cho các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.