Đánh giá về quan hệ hai nước, Đại sứ Nguyễn Tất Thành nêu rõ, quan hệ Việt Nam - Australia trong 50 năm qua có những bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc.
Thứ nhất, hai bên chia sẻ nhiều lợi ích song trùng, ủng hộ và tin cậy lẫn nhau trên các vấn đề cốt lõi, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương. Nếu so với các đối tác Đông Nam Á có lịch sử bang giao lâu đời hơn, có thể nói Việt Nam là đối tác mới nhưng đã sớm đạt được sự tin cậy về mặt chính trị với Australia, được dày công vun đắp bởi lãnh đạo và nhân dân hai nước. Đặc biệt, Australia là nước phương Tây đầu tiên đón Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm (năm 1990), cũng là nước phương Tây đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm (năm 1995).
Australia tích cực hỗ trợ giải quyết vấn đề Campuchia, giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện lực, viễn thông và dầu khí, cung cấp học bổng và mở trường đại học, gần đây hơn là hợp tác y tế, hỗ trợ Việt Nam ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Đây là nền tảng vững chắc để hai nước xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện (2009), Đối tác chiến lược (3/2018) và triển khai các kế hoạch hợp tác mới.
Thứ hai, hợp tác kinh tế, khoa học - công nghệ là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng vượt bậc, năm 2021 lần đầu tiên vượt ngưỡng 10 tỷ USD, 7 tháng đầu năm nay đạt 9,6 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Theo thống kê mới nhất, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại thứ 10 của Australia, trong khi Australia là đối tác thương mại thứ 7 của Việt Nam, hai bên cơ bản hoàn thành mục tiêu lọt vào tốp 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau chỉ chưa đầy một năm kể từ khi triển khai Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế.
Trong khi đó, hợp tác khoa học - công nghệ mang lại giá trị gia tăng cao cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Australia. Hai bên triển khai tích cực nhiều dự án trong lĩnh vực công nghệ mới nổi, chuyển đổi số… trong khuôn khổ Aus4Innovation và ACIAR, phù hợp với Chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số giai đoạn 2018 - 2025 của Australia và Chương trình Nghị sự chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam, phục vụ thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển ở mỗi nước.
Thứ ba, hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục được mở rộng trên cơ sở tin cậy lẫn nhau. Australia là nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam vận chuyển lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc và bệnh viện dã chiến cấp 2 sang Nam Sudan; tích cực hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam, hợp tác chống khủng bố, an ninh, an toàn hàng hải. Hai bên tích cực hỗ trợ nhau tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh. Australia cũng đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Thứ tư, hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Australia tiếp tục là nơi thu hút ngày càng đông sinh viên Việt Nam, các trường đại học hai nước có hàng trăm chương trình liên kết, nghiên cứu chung. Số lượng sinh viên, học giả Australia chọn Việt Nam theo Kế hoạch Colombo mới tăng hàng năm. Việt Nam trở thành địa điểm thu hút du lịch đứng thứ 11 của Australia.
Ngoài Vietnam Airlines, thêm Bamboo Airways và sắp tới là Vietjet Air dự kiến sẽ có đường bay thẳng kết nối nhiều địa phương hai nước. Số lượng lao động theo các khuôn khổ hợp tác tiếp tục gia tăng. Sự ra đời của Trung tâm Việt Nam - Australia tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2022), Viện Chính sách Australia - Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Việt Nam - Australia (2021)... hay việc ngày càng nhiều bang, vùng lãnh thổ Australia lập văn phòng đại diện thương mại - đầu tư tại Việt Nam là những minh chứng sống động cho mối quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng gắn bó giữa hai nước.
Về ý nghĩa chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh đây là chuyến thăm cấp Bộ trưởng đầu tiên của Việt Nam tới Australia kể từ khi hai nước mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tới Australia, đáp lại chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong hồi tháng 6/2022, nhằm triển khai cơ chế họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao hàng năm. Đáng chú ý, chuyến thăm diễn ra trước thềm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước (1973 - 2023), mở đường cho hàng loạt chuyến thăm cấp cao của cả Việt Nam và Australia trong thời gian tới.
Thông qua chuyến thăm, Việt Nam tái khẳng định mong muốn củng cố và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược với Australia trong bối cảnh chính quyền mới của Australia ngày càng hướng sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chuyến thăm là dịp tốt để hai nước rà soát các mặt quan hệ, đề xuất biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác cùng có lợi, đồng thời phối hợp thúc đẩy một số nội dung quan trọng về hợp tác đa phương sau khi ASEAN thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Australia (10/2021).
Nhận định về tương lai của mối quan hệ giữa hai nước, Đại sứ Nguyễn Tất Thành nêu rõ, Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Australia được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, trong đó kinh tế, an ninh - quốc phòng và đổi mới sáng tạo được coi là 3 trụ cột chính. Đồng thời, hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong 8 lĩnh vực ưu tiên, gồm giáo dục-đào tạo, tài nguyên - năng lượng, nông - lâm - thủy sản, chế tạo, du lịch, khoa học - công nghệ, kinh tế số và dịch vụ. Theo đó, thời gian tới hai nước có thể thiết lập quan hệ đối tác trong lĩnh vực năng lượng để Australia có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính và công nghệ, giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và thực hiện cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Trên nền tảng quan hệ sâu rộng đến nay, để thiết thực kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước, Việt Nam và Australia cũng sẽ cùng nhau nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, đặc biệt trên các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước trong đó có ngoại giao quốc hội, và đối ngoại nhân dân cũng như trên các lĩnh vực quan trọng, tiềm năng như kinh tế số, chuỗi cung ứng bền vững, hợp tác giữa các địa phương, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và giao lưu văn hóa.